Thời sự
Đất Nước không thể phát triển nếu xa rời mục đích con người
Nguyên Đức - 03/09/2015 08:00
Giản dị và chân tình, ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ góc nhìn của mình về vị thế và vận mệnh của đất nước sau 70 năm giành Độc lập.

BƯỚC NHẢY LỊCH SỬ

Thưa ông, 70 năm qua, kể từ khi đất nước giành Độc lập sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám thần kỳ, Việt Nam từ một nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á trở thành một quốc gia ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới . Để nhìn lại, ông có thể nói gì về hành trình này, về vị thế của Việt Nam sau 70 năm giành Độc lập?

Vị thế Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, từ một xứ An Nam thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập, từ một dân tộc nô lệ thành dân tộc làm chủ đất nước của mình. Sau Cách mạng tháng Tám, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có một nhà nước của nhân dân. Trước kia, nhà nước là của ông vua, chứ không phải của dân. Điều này phù hợp xu hướng tiến bộ của nhân loại.

Khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, thế giới chưa có ai công nhận Việt Nam cả. Sau cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ, chúng ta ở vào thế bị bao vây, cô lập. Nhưng nay đã khác, thế giới đã công nhận Việt Nam, 185 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có quan hệ đối ngoại bình đẳng với chúng ta. Chúng ta đã tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có thời điểm là ủy viên không thường trực của hội đồng này, cũng như đã tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế khác.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

 

Việt Nam, từ một nền kinh tế không có gì, sau công cuộc Đổi mới, đã phát triển vượt bậc. Tôi đã nhiều lần trao đổi với các nhà kinh tế, họ nói kinh tế Việt Nam đã tăng gấp 7 lần về quy mô. Như vậy có nghĩa, so với trước Đổi mới, chúng ta đã có 7 nước Việt Nam về mặt kinh tế. 

Thế giới đã trân trọng và đánh giá cao Việt Nam. Và chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về điều đó.

Một bước nhảy lịch sử, có thể nói như vậy về vị thế Việt Nam sau 70 năm giành Độc lập, 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Theo ông, đâu là nguồn cội của bước nhảy lịch sử đó?

Trước tiên là nền tảng văn hóa. Nền tảng văn hóa dân tộc lớn lao lắm, là sức mạnh phi thường, không dễ nhìn thấy và đo đếm được. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã biết khơi dậy và phát huy sức mạnh ấy, nhân nó lên trở thành một sức bật mạnh mẽ. Một yếu tố quan trọng nữa, đó là công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng từ 30 năm trước. Cũng vẫn còn nhiều điều phải bàn về công cuộc Đổi mới, nhưng dù sao chúng ta cũng đi được một bước tiến dài sau Đổi mới. Cả ba yếu tố này đã tương hỗ nhau để tạo nên bước nhảy lịch sử cho Việt Nam.

Nền tảng văn hóa là quan trọng, nhưng muốn khơi dậy được sức mạnh của nền tảng văn hóa ấy thì phải có một đường lối đúng. Mà muốn có đường lối đúng thì phải có một nền tảng văn hóa vững bền. Khi mục tiêu văn hóa và mục tiêu chính trị trùng nhau, mục tiêu chính trị phục vụ cho mục tiêu văn hóa, phù hợp với mục tiêu văn hóa, và chính trị đi tiên phong trong thực hiện mục tiêu văn hóa, thì sẽ tạo được sức bật cho đất nước. Còn lúc nào đó, mục tiêu chính trị xa rời, thậm chí là phản mục tiêu văn hóa, thì ngược lại, sẽ gây trì trệ và đổ vỡ.

Mục tiêu kinh tế cũng là một mục tiêu nằm trong câu chuyện phát triển đất nước, phát triển dân tộc. Kinh tế không có mục đích tự thân, mà cũng là vì con người và do con người làm ra, không thể có một dân tộc không phát triển mà có một nền kinh tế phát triển. Cũng không thể có một nền kinh tế phát triển bền vững khi chủ nhân của nó là những con người xác xơ.

THÁCH THỨC TỤT HẬU

Nhưng thưa ông, 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, dù thành tựu nhiều nhưng Việt Nam đang đứng trước thách thức tụt hậu, làm sao để chúng ta có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Đứng trước thách thức tụt hậu thì phải xem lại chiến lược phát triển và cách thức quản trị quốc gia. Chiến lược phát triển của chúng ta dựa trên cái gì, lựa chọn ưu tiên gì cho đến giờ này vẫn không rõ. Trong quá trình điều hành, chúng ta đã từng lựa chọn phát triển rất nhiều thứ, lúc mía đường, khi xi măng, sắt thép, rồi ô tô, cơ khí, đóng tàu…, nhưng giờ này nhìn lại thì có thể nói là không thành công.

Công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước không thể nói là thành công khi năng suất lao động quá thấp, chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan và Malaysia, 1/10 Hàn Quốc và 1/15 Singapore; hiệu quả đầu tư chỉ bằng một nửa so với các nước, tức là mất mát hoặc lãng phí quá nhiều. Thu nhập bình quân đầu người của ta cũng thấp quá, đang rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình thấp.

Rõ ràng là có vấn đề về chiến lược phát triển, về cơ chế, chính sách. Cơ chế của chúng ta có nhiều cái còn kìm hãm, chưa phát huy tối đa sức mạnh nguồn cội của nó, nhiều cái mới đi được nửa đường, ví dụ như kinh tế thị trường. 30 năm qua, Việt Nam đổi mới được nhiều nhất là kinh tế, nhưng cũng mới chỉ đi được nửa đường về cơ chế. Còn đổi mới văn hóa, giáo dục thì đi sau. Gần đây mới nói đến đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nhưng còn chậm trễ, mới lang thang ngoài hàng rào chưa vào được ngôi nhà chính giữa của chuyện đó. Tư duy khoa học, xã hội cũng bị lạc hậu, công nghệ thậm chí còn lạc hậu 2-3 thế hệ so với trung bình của thế giới…

Tất cả những yếu tố này lại liên quan đến năng lực quản trị quốc gia, đến vấn đề lựa chọn cán bộ. Phải thừa nhận là năng lực quản trị quốc gia của ta còn kém, công tác đánh giá cán bộ cơ bản là chưa tốt. Lúc chiến tranh, chúng ta tập hợp được nhiều người tài, nhưng thời bình lại chưa làm tốt được việc đó.

Cũng có vấn đề về lợi ích nhóm, tham nhũng, chuyện kiểm soát quyền lực. Không kiểm soát quyền lực thì tha hóa, không kiểm soát quyền lực thì đất nước không phát triển được, không kiểm soát được quyền lực thì cũng chả có xã hội tốt đẹp. Mặt trái của quyền lực chính là sự tha hóa, mà sự tha hóa của quyền lực thì nhanh và mạnh lắm. Nó là con ngựa bất kham, nếu chúng ta không đủ trình độ, năng lực để kìm cương nó thì nó sẽ làm hại quốc gia.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI có nói đến kiểm soát quyền lực, nhưng mới chỉ nói mà chưa làm được gì đáng kể cho câu chuyện đó.

Vì thế, để đất nước có thể phát triển được, còn rất nhiều việc phải làm, phải xem lại chiến lược phát triển cho đúng. Theo ý kiến cá nhân tôi, có mấy ngành, lĩnh vực chúng ta có thể tập trung phát triển, như du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao…

Chúng ta hoàn toàn có thể biến Việt Nam thành trung tâm du lịch của thế giới, giá trị gia tăng cao. Phát triển du lịch ngoài các yếu tố về kinh tế thì quan trọng hơn, còn có thể tạo ra sản phẩm con người, do được tiếp biến với các nền văn hóa khác. Một nền văn hóa dân tộc chỉ có thể phát triển và hoàn thiện bằng sự tiếp biến với các nền văn hóa khác. Du lịch là cái để tiếp biến văn hóa, tạo ra con người, mà cái đó còn quan trọng hơn tạo ra kinh tế.

Công nghệ thông tin (lưu ý phần mềm và dịch vụ) kỳ lạ lắm, hay lắm, suất đầu tư không lớn, nhưng giá trị gia tăng cao, và chúng ta có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngay. Còn nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam có tiềm năng nhiều lắm. Đây là lĩnh vực giải quyết được nhiều lao động mà cũng giúp làm giàu được.

Có một điểm tôi cũng muốn nói tới, đó là Việt Nam có lợi thế đặc thù về địa kinh tế. Ở đâu có đầu mối giao thông và giao lưu kinh tế phát triển thì ở đó kinh tế khá. Hãy biến nước ta thành đầu mối giao thông và giao lưu của quốc tế, từ đó tác động lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác.

Như ông vừa nói, văn hóa là nền tảng cho sự phát triển. Nhưng cùng với nỗi lo về sự tụt hậu kinh tế, thì dư luận xã hội hiện quan tâm rất nhiều đến chuyện suy đồi văn hóa. Văn hóa suy đồi thì làm sao chúng ta có nền tảng vững bền để đưa dân tộc và đất nước tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới?

Bây giờ chuyện suy đồi văn hóa rõ hơn, rộng hơn và vào tới cả những nơi ngày xưa trong lành. Tiêu cực lan rộng, thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực, như dạy người, cứu người, nơi bảo vệ cán cân công lý…, trong xã hội, thậm chí kể cả trong những hành động từ thiện, với tính chất ngày càng phức tạp, có tổ chức, có lợi ích nhóm… Bây giờ, người ta không chỉ tham nhũng tiền bạc, mà còn tham nhũng cả cơ chế, chính sách.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi có hai điểm đáng lưu ý:

Thứ nhất, là chuyện như đã nói ở trên - chúng ta không/chưa kiểm soát được quyền lực, để cho mặt trái của nó - sự tha hóa - lồng lên.

Thứ hai, là trình độ năng lực quản trị quốc gia chưa đưa ra được cơ chế hữu hiệu để khống chế mặt trái của cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường có mặt tốt và có mặt trái, không phải mình không muốn là được. Mặt trái của cơ chế thị trường, nếu anh đủ “đô” về trình độ quản trị quốc gia thì sẽ không chế được. Mình chưa “đủ đô”.

Cùng lúc có tới hai con ngựa bất kham lồng lên, suy đồi văn hóa là phải. Trong khi đó, nghiên cứu về văn hóa, hiểu về văn hóa và có các giải pháp về văn hóa rất hời hợt. Văn hóa không phải chỉ là chuyện đàn ca sáo nhị, mà là chuyện nhân cách, nhân văn. Phải kiểm soát quyền lực, có cơ chế quản lý tốt, chống tham nhũng, gương mẫu, trọng giáo dục liêm sỉ, nhân cách…

KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU DÂN TỘC, DÂN CHỦ

Đúng là có quá nhiều thách thức, thưa ông. Nhưng ngày xưa, Việt Nam còn khó khăn hơn nhiều mà chúng ta vẫn vượt qua được bằng tinh thần Cách mạng tháng Tám, bằng tinh thần dân tộc, bằng ý chí quật cường. Điều này có cần tiếp tục được đặt ra trong bối cảnh hiện nay, để khơi dậy tiềm lực và giá trị của con người, văn hóa Việt Nam, nhằm đưa đất nước ngày một cường thịnh hơn?

Để dân tộc phát triển, đất nước phát triển, thì phải tiếp nối tinh thần và mục tiêu của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Trong đó, dân tộc phát triển là quan trọng nhất, vì hễ dân tộc phát triển thì đất nước phát triển. Đất nước là do dân tộc làm ra. Đất nước không thể phát triển nếu rời xa mục đích phát triển con người.

Cách mạng tháng Tám, mục tiêu là dân tộc, dân chủ, bây giờ vẫn phải kiên định mục tiêu ấy. Dân tộc phát triển và dân chủ trong quan hệ xã hội. Trước đây, nghiêng về giành độc lập, bây giờ nghiêng về phát triển. Bác Hồ đã từng nói, nếu giành được độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc, thì độc lập ấy cũng chưa có ý nghĩa gì. Bởi vậy, phải đưa được dân tộc, đất nước phát triển, xã hội tốt đẹp và dân chủ tự do thì mới là trung thành với tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Như tôi vừa nói, đất nước không thể phát triển nếu tách rời mục đích phát triển con người. Phát triển con người nói thì dễ mà hiểu và làm được thì không đơn giản. Không thể áp đặt tư duy của mình vào tư duy của thế hệ sau, làm như vậy là kìm hãm sự phát triển. Con hơn cha là nhà có phúc. Muốn hơn thì phải có tư duy độc lập, có chính kiến riêng. Phải dám nghĩ khác, làm khác thì đất nước mới phát triển, chứ nếu vẫn làm giống như trước, thì sẽ tụt hậu. Lịch sử thời nào thì thế hệ ấy giải quyết, đừng nghĩ nó phải nghĩ theo, làm theo mình mới là “trung thành, kiên định”, chả minh triết tý nào. Như thế, đất nước làm sao phát triển?

Nhân nói chuyện con người, phải nhắc tới chuyện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Giá trị cốt lõi của nghị quyết ấy là đúng và lâu dài, nhưng khẩn trương đi, chứ đừng nửa vời và đừng quẩn quanh ở vòng ngoài nữa.

Cũng đừng sợ hội nhập khiến bản sắc văn hóa mất đi. Nói bản sắc văn hóa người Việt, trước tiên là nói tình yêu nước. Cái đó quý lắm và sẽ không bao giờ mất đi, chỉ là bây giờ có cách tiếp cận khác. Chỉ cần chạm vào đúng, kích đúng, nó sẽ trở thành sức mạnh.

Tinh thần cộng đồng, tinh thần “đồng bào”, đùm bọc yêu thương nhau của người Việt rất đáng quý. Việt Nam có văn hóa làng xã (tình làng nghĩa xóm) mà những quốc gia khác không có. Những điều đó hết sức quan trọng đối với việc giữ gìn nền tảng văn hóa.

Một điều quan trọng nữa trong văn hóa Việt, đó là phải xây dựng tính trung thực. Sẽ hỏng bét nếu Việt Nam thành một dân tộc mà mọi người sống giả dối.

Hội nhập là quá trình tiếp biến văn hóa ở quy mô toàn cầu, toàn diện nhất, chiều sâu nhất. Nhưng đừng sợ tiếp biến rồi sẽ không còn cái gì là của mình.

Bản sắc văn hóa dân tộc không phải là cái cố định, đứng yên, mà nó sẽ xê dịch, qua tiếp biến càng hoàn thiện hơn, hiện đại hơn, bản lĩnh hơn. Không thể khư khư giữ cái cũ, như kiểu giữ cho để “răng đen”…, để rồi trở thành một dân tộc cổ lỗ sĩ được. Phải mở cửa, tiếp biến văn hóa thì mới phát triển được. Tiếng Việt còn, lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng, tính trung thực… còn, thì còn văn hóa Việt.

Những yếu kém và tụt hậu đã được chỉ rõ. Điều quan trọng là từ đó xác định các giải pháp hữu hiệu và tiến lên, như vậy mới hoàn thành sứ mệnh với dân tộc và do đó mới giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng. Ông đã từng nhấn mạnh như vậy. Thế thì trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, vai trò của Đảng nên được đặt ra như thế nào, thưa ông?

Nước nào, dân tộc nào muốn phát triển, muốn tiến lên cũng cần có một bộ tham mưu cho tốt. Đảng đóng vai trò đó. Vai trò của Đảng là hết sức quan trọng với sự phát triển ấy. Nếu Đảng đủ sức khai phá văn minh cho cả dân tộc, cán bộ lãnh đạo của Đảng đóng được vai trò của nhà văn hóa, nhà giáo dục, người nghệ sĩ chân chính… thì dân tộc phát triển. Còn nếu không, sẽ kìm hãm sự phát triển.

Lâu nay, nói về công tác xây dựng Đảng, chúng ta vẫn nói phải xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, không ít người đã hiểu sai: chính trị được hiểu theo nghĩa là trung thành với lãnh đạo, tư tưởng được hiểu theo nghĩa nghĩ và nói theo viết theo lãnh đạo, tổ chức được hiểu làm theo lãnh đạo. Hiểu thế là không chuẩn, nếu lãnh đạo sai thì sao?

Vấn đề hiện nay là phải xây dựng Đảng về văn hóa. Chính trị, tư tưởng, tổ chức cũng phải xây dựng trên nền tảng văn hóa. Tổ chức ấy là tổ chức của những con người có văn hóa, do đó phải nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về văn hóa, trong đó lưu ý hàng đầu nhân cách đảng viên.

Bản thân Đảng cũng phải lo chuyện kiểm soát quyền lực của mình. Đảng lãnh đạo chủ yếu bằng giá trị văn hóa, chứ không phải bằng quyền lực. Nhưng do Đảng cầm quyền nên liên quan nhiều đến quyền lực, do vậy phải có cơ chế để tự kiểm soát quyền lực và cơ chế để nhân dân kiểm soát quyền lực của Đảng.

Thời nay không thể Đảng lãnh đạo bằng áp đặt một chiều, mà phải bằng thuyết phục, bằng đối thoại, làm rõ chân lý, có cơ sở khoa học. Đảng phải là con của dân, là “con nòi” của dân tộc như cách nói của Bác Ho, chứ không phải là một lực lượng cai trị dân tộc. Đảng phải phát triển trí tuệ của mình để trở thành một bộ óc minh mẫn, sáng suốt, một bộ óc minh triết, đồng thời giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ, thì Đảng sẽ khẳng định được vai trò của mình và sẽ được nhân dân tín nhiệm lâu dài, giữ được truyền thống vẻ vang gắn bó giữa Đảng và dân tộc.

Nhưng thưa ông, thời gian gần đây, có ý kiến đề cập chuyện sứt mẻ niềm tin đối với Đảng. Vậy cần làm gì để Đảng giữ được niềm tin của dân, tiếp tục lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc Đổi mới, đưa dân tộc Việt Nam phát triển?

Đúng là có vấn đề đó. Nhưng nếu dùng dân để rèn Đảng và Đảng phải nghe dân, làm theo dân (chính đáng) thì sẽ lấy được lòng tin của dân.

Trong bối cảnh hiện nay, có hai vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, phải tập trung đổi mới, Đảng phải đổi mới căn bản tư duy.

Thứ hai, phải kiểm soát quyền lực và có cơ chế dân chủ, minh bạch để chống tha hóa, chống lợi ích nhóm và tham nhũng. Giải quyết được vấn đề này, tôi tin Đảng sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Tin liên quan
Tin khác