Thời sự
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Không thể bỏ lỡ thời cơ của dân tộc
Nguyên Đức - 02/09/2015 15:26
Kỷ niệm Quốc khánh, ôn lại truyền thống hào hùng và những thành tựu vẻ vang của dân tộc, nhưng cũng cần phải xem lại mình, tìm ra các nút thắt để từ đó tiếp tục cải cách đưa đất nước phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tới. Đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với Báo Đầu tư nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Thưa Bộ trưởng, trong hành trình 70 năm Độc lập, 30 năm Đổi mới, đâu là những dấu mốc quan trọng của đất nước?

Kể từ khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2/9/1945, đất nước ta đã trải qua nhiều bước phát triển cũng như những thăng trầm trong lịch sử. Chúng ta đã phải dồn sức, dồn lực cho công cuộc giải phóng, bảo vệ đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, cho đất nước. Đó là những chiến thắng vĩ đại và hào hùng của dân tộc.

Đồng thời, trong công cuộc phát triển kinh tế, Đảng ta cũng đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, để từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Đây là một tiến bộ vượt bậc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

 

Phải nói rằng, vào thời điểm mới giành Độc lập và ngay cả trước Đổi mới, Việt Nam khó khăn chồng chất. Áp lực đặt lên vai bộ máy nhà nước còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng rồi chúng ta đã kịp thời Đổi mới và mang lại những thành tích kinh tế thần kỳ.

Một trong những thành quả lớn nhất của 30 năm Đổi mới kể từ năm 1986 đến nay, theo tôi, đó là chúng ta đã chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp trước đây sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều này đã làm thay đổi diện mạo đất nước, thay đổi toàn bộ hoạt động kinh tế và hiệu quả kinh tế của đất nước. Và nó chính là động lực đưa đất nước ta phát triển như hôm nay.

Cùng với kỷ niệm 70 năm ngày Độc lập, ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng kỷ niệm 70 năm thành lập. Trong hành trình phát triển của đất nước, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã có những đóng góp như thế nào?

Ngành Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu kinh tế tổng hợp, có thể nói, đã có những đóng góp quan trọng trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ về đổi mới thể chế kinh tế. Trong tất cả các cột mốc đổi mới thể chế kinh tế đất nước nói riêng, hay trong các bước ngoặt đổi mới của đất nước nói chung, ngành Kế hoạch và Đầu tư đều có mặt, thậm chí có lúc đóng vai trò chủ công trong xây dựng các đề án, nghị quyết của Trung ương Đảng về đổi mới thể chế.

Tôi lấy ví dụ, năm 1979, ngành Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết số 20 về tình hình cấp bách, từ đó mở ra hướng chấp nhận một số yếu tố thị trường trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đề cao tự chủ tài chính của các xí nghiệp. Nghị quyết này được coi là sự mở đầu cho quá trình đổi mới, để từ đó nền kinh tế Việt Nam bước đầu chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phải nói rằng, đây là cả một chặng đường đầy khó khăn, mà trong đó phải thay đổi rất nhiều cơ chế. Năm 1980 là cơ chế giá lương tiền, chấp nhận cơ chế tính đúng, tính đủ, bắt đầu tiến trình cải cách giá lương tiền theo nguyên tắc thị trường. Năm 1981 là xây dựng và thông qua Chỉ thị 100 về khoán hộ gia đình (khoán 100), tạo ra một bước ngoặt trong phát triển nông nghiệp, để sau này từ chỗ thiếu ăn, các hợp tác xã làm ăn thua lỗ, chúng ta đã sản xuất đủ ăn, tiến tới xuất khẩu gạo.

Sau các chính sách này, là các quyết định số 25 và 26 về đổi mới cơ chế xây dựng kế hoạch thành 3 phần ABC, thay vì kế hoạch hóa tập trung trước đây, theo đó trao quyền tự chủ hơn về xây dựng kế hoạch, phân phối lợi nhuận, tiêu thụ sản phẩm cho các xí nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là tiền thân của các vấn đề liên quan chuyển dần cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sang cơ chế thị trường…

Có thể nói, từ những cột mốc của những năm đầu thời kỳ Đổi mới, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã đóng vai trò quan trọng trong tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ... Những cải cách này chính là thực tiễn quan trọng làm tiền đề để năm 1986, chúng ta có một nghị quyết chung về Đổi mới đất nước, từ đó đưa đất nước phát triển như hôm nay.

Vậy thưa Bộ trưởng, trong hành trình 30 năm Đổi mới, đâu là những cải cách thể chế mang ý nghĩa quyết định nhất đến vận mệnh nền kinh tế đất nước?

Khi công cuộc Đổi mới bắt đầu từ năm 1986, chúng ta tiếp tục thực hiện một loạt cải cách về thể chế. Chẳng hạn, sau khoán 100, chúng ta có khoán 10. Sau đó, có Nghị quyết 16 về đổi mới cơ chế sản xuất của các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh. Nghị quyết này đã góp phần quan trọng khẳng định vai trò của kinh tế ngoài quốc doanh, từ đó nhen nhóm việc Nhà nước công nhận thành phần kinh tế tư nhân, hộ gia đình, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần.

Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, rồi sau này là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư chung… là những dự luật có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam, tạo động lực rất lớn cho sự phát triển của đất nước.

Ở đây, tôi chỉ nêu một ví dụ điển hình trong cải cách thể chế, xuyên suốt các quy định của Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp 1999, 2005, rồi 2014. Đã có một sự đột phá mạnh mẽ trong các luật này, khi chúng ta chuyển từ doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì mà Nhà nước cho phép, sang được làm những gì mà doanh nghiệp đăng ký và được Nhà nước chấp nhận, và đến năm ngoái, là được làm những gì mà luật pháp không cấm. Đây là bước tiến rất mạnh mẽ, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam.

Nhân nói về những đóng góp của ngành Kế hoạch và Đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tôi cũng muốn nhấn mạnh những đóng góp của ngành trong tham mưu cho Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn vừa qua.

Chẳng hạn, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chúng tôi đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý. Nghị quyết này có tác động rất lớn, có ý nghĩa xuyên suốt trong 5 năm qua để chúng ta giải quyết các vấn đề bất ổn của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội mà vẫn đảm bảo tăng trưởng hợp lý.

Ngay sau đó là Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, rồi xây dựng Luật Đầu tư công, cũng như hàng loạt dự luật quan trọng khác, ví như Luật Đấu thầu sửa đổi… Những khuôn khổ pháp luật quan trọng này có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, cũng như thúc đẩy nền kinh tế tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế.

Hiện nay, chúng tôi cũng đang được Ban Chấp hành Trung ương phân công chủ trì soạn thảo báo cáo kinh tế - xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XII.

Chính phủ đang hối thúc cải cách thể chế kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cá nhân Bộ trưởng cũng là một trong những người khởi xướng quá trình này. Cải cách thể chế sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào để đưa đất nước ngày càng phồn thịnh hơn, thưa Bộ trưởng?

Như tôi đã nhiều lần khẳng định, 30 năm Đổi mới, dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng các khiếm khuyết của nền kinh tế cũng đã bắt đầu bộc lộ, những động lực giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn vừa qua, như lao động rẻ, tài nguyên… đã tới hạn, đòi hỏi chúng ta phải cải cách thể chế kinh tế. Cải cách thể chế kinh tế để nguồn lực được phân bổ hợp lý hơn, để kinh tế thị trường thực hiện đầy đủ hơn, để Việt Nam thoát được bẫy thu nhập trung bình.

Quá trình xây dựng báo cáo kinh tế trình Đại hội XII, cũng như xây dựng Báo cáo 2035 khiến chúng tôi nhận ra rằng, kinh tế Việt Nam dù vẫn đang phát triển tốt, nhưng lại ngày càng kém cạnh tranh hơn, trong khi ngày càng hội nhập mạnh mẽ. Trong hội nhập mà cạnh tranh kém thì sẽ thất bại, do vậy, phải tiếp tục đổi mới. Chúng ta phải cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới bằng năng suất lao động, bằng đổi mới khoa học - công nghệ, chứ không thể chỉ bằng lao động giá rẻ như trước.

Việt Nam giờ đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, do vậy, muốn phát triển thì phải đặt mình trong môi trường chung của thế giới chứ không phải chỉ trong khu vực. Đã chấp nhận cuộc chơi, Việt Nam phải cải cách. Bởi nếu không vươn lên, sẽ bị tụt hậu, mà đã tụt hậu trong môi trường chung của quốc tế thì chúng ta sẽ bị “xâm lược” về kinh tế, mất tự chủ.

Đây là một thách thức lớn của Việt Nam trong giai đoạn tới. Chúng ta cần những đột phá mới để có thể phát triển mạnh mẽ hơn.

Ôn lại truyền thống hào hùng và thành tựu vẻ vang của dân tộc, nhưng khi mình đang đi chậm lại thì phải tìm ra nút thắt, xem mình đang ở đâu so với các quốc gia trong khu vực cùng điều kiện, để từ đó xây dựng định hướng phát triển mới, các giải pháp để khơi dậy mọi nguồn lực trong xã hội để cải cách thể chế, đổi mới kinh tế, đưa đất nước tiến xa hơn trong giai đoạn tới. Chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội đổi mới của dân tộc, của đất nước.

Tin liên quan
Tin khác