Doanh nghiệp
Đấu giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh: “Gần mũi, xa miệng”!
Hữu Tuấn - 16/11/2015 09:17
“Miếng bánh” thơm tho mang lại doanh thu khủng, lượng khách hàng lớn mang tên bản quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh (EPL) rất có thể sẽ không thuộc về các nhà đài Việt Nam.

Giá EPL cao kỷ lục, nhà đài Việt bỏ cuộc chơi!

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư, cuộc đấu giá bản quyền EPL tại các nước Đông Nam Á không có bất cứ nhà đài nào của Việt Nam tham gia. Hiện cuộc đấu giá đang bước vào vòng 2 và nhiều khả năng giá trúng thầu sẽ rất cao. Tại Anh, giá bản quyền của 3 mùa giải 2016 - 2019 đã lên tới con số kỷ lục là 5,136 tỷ bảng (giá 3 mùa 2013 - 2016 là 3,018 tỷ bảng). Giá bản quyền tại khu vực đã có kết quả đấu giá như Australia, Hồng Kông cũng tăng gấp 3 lần so với mùa giải 2013 - 2016.

.

Xác nhận thông tin với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Minh Phương, Phó tổng giám đốc Viettel khẳng định, Viettel không tham gia đấu giá bản quyền EPL mùa giải 2016 - 2019, vì đến thời điểm này, lượng khách hàng truyền hình trả tiền của Viettel chưa đủ nhiều để có thể đảm bảo doanh thu. Mặt khác, kể cả Viettel tham gia và trúng thầu thì cũng rất khó có phương án kinh doanh có thể mang lại lợi nhuận với một mức giá dự kiến là rất cao như đợt này.

Còn theo ông Nguyễn Thành Lương, Phó tổng giám đốc VTV, trong đợt đấu giá 3 mùa giải 2016 - 2019, VTV cũng không tham gia. Các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trực thuộc VTV tùy thuộc việc cân đối kinh doanh mà quyết định mua hay không mua bản quyền EPL.

Các nhà đài khác như VTVcab, VTC, AVG, HTV TP.HCM cũng khẳng định không tham gia đấu giá EPL.

Một đơn vị có tiềm lực và có khả năng đấu giá phát sóng EPL nhất, đó là K+, cũng khẳng định, không trực tiếp tham gia đấu giá, mà ủy quyền cho công ty mẹ tại Pháp là Canal+ tham gia đấu giá.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) cho biết, K+ ủy quyền cho Canal+ tham gia đấu giá giống như đã từng thực hiện trong đợt 2013 - 2016. Lý do K+ ủy quyền là bởi Canal+ là đơn vị có uy tín trên thị trường quốc tế, có nhiều kinh nghiệm trong việc đấu giá mua bản quyền các giải thể thao lớn. Bên cạnh đó, Canal+ sẵn sàng hỗ trợ K+ trong việc thực hiện các thủ tục theo Hiệp định Tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Pháp, để tránh việc phí bản quyền phải chịu hai lần thuế. Vì vậy, chi phí mua bản quyền sẽ được tối thiểu khi mua thông qua Canal+.

Vì sao vẫn “bài cũ soạn lại”?

Theo dự đoán, bản quyền phát sóng EPL 2016 - 2019 rất có thể sẽ có giá cao kỷ lục từ trước đến nay, vào khoảng 70 - 100 triệu USD. Trước đó, EPL 2013 - 2016 đã được IMG bán tại Việt Nam với tổng mức giá gần 38 triệu USD (K+: 33,5 triệu USD, VTVcab: khoảng 2 triệu USD, SCTV chi khoảng 2,1 triệu USD).

Bản quyền EPL đang rơi vào bàn tay thao túng của các hãng truyền hình quốc tế và các nhà môi giới quốc tế. Sau khi trúng thầu, họ đã dùng mọi chiêu thức bán lại cho các nhà đài với giá cao.

Trong cuộc chiến giành EPL, một giải bóng đá mang lại nhiều doanh thu (từ quảng cáo, lượng người dùng trả tiền, bán lại cho các nhà đài khác…), nên tất nhiên các nhà đài sẽ đua nhau mua giá cao.

Đến đây, chắc hẳn độc giả sẽ đặt câu hỏi: Vậy tại sao các nhà đài không liên danh, hợp tác với nhau để đấu giá thấp, sau đó sẽ chia nhau phát sóng tại Việt Nam?

Câu hỏi này đúng với chỉ đạo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi VTV, VOV, các đơn vị truyền hình trả tiền trong nước, đề nghị các đơn vị phải đoàn kết vì lợi ích của đất nước, trên tinh thần không chấp nhận mua bản quyền EPL bằng mọi giá, hạn chế bị đối tác ép giá, tăng giá. Bộ yêu cầu các đơn vị này phối hợp với Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam rút kinh nghiệm các mùa giải trước, chủ động sớm hình thành Ban Đàm phán mua bản quyền EPL 2016 - 2019.

Chỉ đạo này đúng tâm tư, nguyện vọng của hàng chục triệu người xem truyền hình và của cả các nhà đài. Tuy nhiên, thực hiện  thì không dễ chút nào.

Ở phương diện đấu giá EPL, với các “hàng rào kỹ thuật” mà Ban tổ chức EPL đặt ra, gần như các nhà đài rất khó để trực tiếp tham gia đấu giá EPL. Các điểm kỹ thuật, tài chính, thương hiệu, thanh toán của nhà đài Việt Nam không thể thắng các hãng truyền hình quốc tế hoặc các hãng truyền thông trung gian chuyên về bản  quyền truyền hình.

Đến khi bản quyền truyền hình rơi vào tay bên thứ 2 (là các công ty môi giới, hãng truyền hình, truyền thông quốc tế), buộc các nhà đài Việt Nam phải “đấu” với nhau để giành quyền mua. Oái oăm là quyền mua EPL có gói độc quyền do Ban tổ chức EPL đặt ra, không được phép chia sẻ cho các nhà đài khác. Vì vậy, phương án liên doanh để ép mua giá rẻ rồi chia nhau phát lại cũng phá sản. Bên cạnh đó, phần lớn các nhà đài có lượng thuê bao ít, tài chính không dư dả, không có phương án kinh doanh tốt sẽ chỉ còn biết thỉnh cầu “hàng triệu khán giả mong muốn xem EPL” để gây áp lực buộc chia sẻ EPL.

Xem ra, bản quyền phát sóng EPL đối với nhà đài và việc thưởng thức Giải ngoại hạng Anh của hàng triệu tín đồ bóng đá tại Việt Nam vẫn chỉ là “gần mũi, xa miệng” mà thôi.

Tin liên quan
Tin khác