Đấu giá hàng ế
Giữa tháng 5/2018, UBND TP.HCM phát đi thông báo về việc vừa phê duyệt phương án bán đấu giá 200 căn hộ chung cư thuộc Dự án Tái định cư Phú Mỹ (Era Town) tại phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM. 200 căn hộ này có vị trí từ tầng 13 đến tầng 20, phương thức bán đấu giá sẽ được chia thành nhiều gói, mỗi gói tương ứng với một tầng của chung cư.
Nhà tái định cư tại quận 2 được TP.HCM chào bán đấu giá, nhưng không doanh nghiệp nào mua. Ảnh: Gia Huy |
Tổng diện tích thông thủy của các căn hộ nêu trên là hơn 10.000 m2 và tổng số tiền bán đấu giá là hơn 166,7 tỷ đồng. Tất cả mọi tổ chức, cá nhân đủ năng lực, hành vi đều được đăng ký tham gia buổi bán đấu giá. Người tham gia đấu giá chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký và nộp 20% tiền đặt trước 3 ngày phiên đấu giá mở ra. Ai trả giá cao hơn sẽ trúng đấu giá.
Được biết, Dự án Era Town do Công ty cổ phần Đức Khải làm chủ đầu tư. Công trình gồm chung cư khối A cao 23 tầng và chung cư khối B cao 28 tầng, với hơn 1.000 căn hộ. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư đã bàn giao cho TP.HCM 470 căn để bố trí tái định cư cho các hộ dân sống trên và ven kênh Tẻ và các dự án chỉnh trang đô thị khác, nhưng Thành phố mới bố trí được 270 căn.
Trước đó, đầu tháng 2/2018, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM cũng chào bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Các căn hộ này thuộc khu chung cư R1, R2, R3, R4, R5 trong khu 38,4 ha phường Bình Khánh, quận 2 và được chia thành 2 dự án: dự án 1 gồm 2.220 căn hộ, giá khởi điểm 5.619 tỷ đồng; dự án 2 gồm 1.570 căn hộ, giá khởi điểm 3.534 tỷ đồng.
Tình trạng nhà tái định cư ở TP.HCM ế ẩm đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là tính toán tại thời điểm xây dựng nhà tái định cư không phù hợp. Bà Nguyễn Thị Vũng, người từng được cấp một căn nhà ở tái định cư tại khu Thủ Thiêm, quận 2 cho biết, trước kia, nhà bà ở chợ An Khánh, có nghề buôn bán gạo. Sau khi khu vực này bị giải tỏa, bà được cấp nhà tái định cư, nhưng lại không có việc gì để làm, trong khi chi phí dịch vụ tại khu nhà khá cao.
Khi UBND TP.HCM đưa ra giải pháp bán đấu giá nhà ở tái định cư để lấy tiền tái đầu tư dự án chỉnh trang đô thị của Thành phố đang thiếu vốn, thì một lần nữa, sản phẩm nhà tái định cư lại bị khách hàng quay lưng, nhưng lần này là từ phía doanh nghiệp.
Vẫn hoàn ế
Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group cho biết, đầu năm 2018, khi nghe thông tin TP.HCM sẽ bán đấu giá nhà tái định cư, ông đã có ý định mua lại để bán, song sau khi tìm hiểu kỹ thì ông đã bỏ ý định này. Cụ thể, chất lượng nhà ở tái định cư đang xuống cấp nghiêm trọng, thiết kế căn hộ xấu, các tiện ích nội khu hư hỏng do bỏ hoang quá lâu.
“Thêm vào đó, giá đấu khá cao, phương thức thanh toán không phù hợp với doanh nghiệp tham gia đấu giá… và quan trọng là khi khảo sát nhu cầu của khách hàng, thì nhận được cái lắc đầu của nhiều người”, ông Vinh nói.
Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc xin được giấu tên cho biết, TP.HCM đã sai lầm khi mang nhà ở tái định cư ra đấu giá để bán như nhà ở thương mại. “Đã là hàng ế, người dân chê không ở, nhưng đưa ra giá bán cao, thêm những chính sách chỉ lợi cho chính quyền thì làm sao doanh nghiệp mặn mà”, vị lãnh đạo đại diện cho doanh nghiệp nói.
Một nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp hững hờ với lời kêu gọi mua đấu giá nhà tái định cư được giới phân tích đưa ra là TP.HCM đang dư thừa nguồn cung nhà chung cư. Năm 2017, đã có gần 50.000 căn hộ chung cư được mở bán, trong đó đa phần là nhà có giá dưới 2 tỷ đồng. Những dự án mới có chất lượng tốt hơn, lại đầy đủ tiện ích nội khu và không mang danh là nhà ở tái định cư.
PGS-TS. Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, nhu cầu nhà ở trong đội ngũ cán bộ, viên chức hoặc giáo viên rất lớn và hàng năm Thành phố vẫn phải giải bài toán nhà ở cho bộ phận công chức này. “Vậy thay vì bán đấu giá, tại sao Thành phố không bán thẳng cho họ, vừa không lãng phí và không lâm vào cảnh chào bán không ai mua như hiện nay”, ông Hiệp nói.