Ông Karmenu Vella, Cao ủy châu Âu phụ trách về môi trường, các vấn đề hàng hải và ngư nghiệp |
Tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành lệnh cấm toàn diện đối với việc khai thác gỗ trong rừng tự nhiên khu vực Tây Nguyên. Mục đích của lệnh này là nhằm bảo vệ đất và nguồn nước trước nguy cơ bị xói mòn khi hậu quả của biến đổi khí hậu và hạn hán đã trở nên nghiêm trọng hơn do nạn phá rừng.
EU hoan nghênh quyết định đó. Chúng tôi là những quốc gia đi đầu trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu và làm cho các nền kinh tế của mình trở nên xanh hơn, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác với nước ngoài trong các lĩnh vực này. Chúng tôi đặc biệt tự hào về quan hệ đối tác với Việt Nam, cũng như sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tuần này đánh dấu một thành tựu mới trong quan hệ đối tác song phương, khi EU và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc đối với một hiệp định mới đầy tham vọng về gỗ. Khi được thực thi, hiệp định này sẽ đảm bảo gỗ Việt Nam có thể tiếp cận EU - một trong những thị trường gỗ lớn nhất thế giới. Lợi ích trong lĩnh vực này rất lớn: năm 2014, thương mại gỗ giữa Việt Nam và EU đạt 705 triệu USD.
Gỗ trong buôn bán với EU phải có nguồn gốc đã được kiểm chứng, đảm bảo tính hợp pháp và bền vững. Hiệp định mới sẽ giúp điều này trở nên khả thi, đem lại sự đảm bảo rằng, các sản phẩm xuất khẩu vào EU có nguồn gốc hợp pháp. Quy định sẽ áp dụng đối với cả gỗ được khai thác nội khối và gỗ được nhập khẩu từ Việt Nam. Để thực thi Hiệp định, Việt Nam đã nhất trí phát triển một hệ thống chứng nhận tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ trong cả chuỗi cung ứng. Các cuộc đàm phán của hai bên đã giúp đảm bảo rằng, đây sẽ là một hệ thống mạnh mẽ và đáng tin cậy, bao hàm cả các nghĩa vụ về xã hội, môi trường và ngân sách.
Rừng của Việt Nam là nguồn bảo tồn đa dạng sinh học tuyệt vời, là nhà của rất nhiều loài động, thực vật mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Ngoài là một kho tàng các loài động, thực vật quý hiếm, rừng Việt Nam còn mang lại nguồn thu nhập cho các cộng đồng dân cư nông thôn, đồng thời giúp bảo vệ người dân bản địa trước những thiên tai lớn. Các khu rừng này cần được quản lý một cách bền vững để đảm bảo phát triển lâu dài cũng như bảo vệ môi trường. Khai thác gỗ trái phép là một thách thức lớn, khiến Chính phủ bị thất thu ngân sách, đe dọa tới sự đa dạng sinh học và gây ra những xung đột với các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng.
Nhiệm vụ hiện nay là phải đưa hiệp định trên đi vào thực thi. EU sẽ hợp tác với Việt Nam trong vấn đề này, sẽ giám sát quá trình thực thi, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà các bên liên quan có những quan ngại. Các nhà giám sát độc lập từ phía xã hội dân sự cũng có thể hỗ trợ việc thực thi này.
Việt Nam đã cam kết mời tất cả các bên liên quan vào cuộc, đồng thời tạo các cơ chế cho phép công dân tham gia ý kiến trong các cuộc tham vấn cũng như tham gia vào hệ thống. EU đang đề nghị giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Việt Nam cần huy động các nguồn lực và xây dựng năng lực, tạo ra hệ thống giúp đảm bảo tính hợp pháp của gỗ khai thác. Sẽ có các hoạt động đánh giá độc lập thường xuyên, kiểm toán hệ thống trên và xác định các vấn đề cần được cải thiện.
Việc xây dựng hệ thống sẽ cần thời gian, nhưng những lợi ích của việc này thì đã rõ ràng. Hiệp định sẽ mang lại cho Việt Nam một lợi thế cạnh tranh so với các nước không có hệ thống kiểm soát gỗ khai thác. Nỗ lực này cũng sẽ cải thiện hình ảnh sản phẩm gỗ Việt Nam khi hướng ra các thị trường xuất khẩu khác, đồng thời thúc đẩy hơn nữa thương mại bền vững. Hiệp định mới cho thấy, châu Âu và Việt Nam cần nỗ lực như thế nào nhằm thu được những lợi ích từ quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn.
Bên cạnh việc EU ủng hộ quá trình hội nhập quốc tế và những kế hoạch tham vọng của Việt Nam nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học cũng như đối phó với biến đổi khí hậu tại quốc gia mình, tôi mong muốn. Đây sẽ là động lực để hai bên tiến xa hơn, đồng thời tiếp tục thúc đẩy nỗ lực chung nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu các loại động vật hoang dã.
Chúng tôi mong muốn Việt Nam cùng với EU tham gia chiến lược toàn cầu, nhằm đảm bảo một sự bảo tồn thích đáng đối với đa dạng sinh học trên thế giới cũng như tại Việt Nam, vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Sự hợp tác chặt chẽ sẽ cho phép chúng ta giải quyết tận gốc vấn đề, tập trung vào các nhóm tội phạm có tổ chức đang kiểm soát hoạt động buôn bán bất hợp pháp.
Chúng ta cũng cần phải tìm ra các cách thức làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm bất hợp pháp, từ sừng tê giác cho tới vẩy tê tê. Buôn lậu không phải là tội phạm phi nạn nhân, bởi việc khai thác gỗ lậu sẽ gây nguy hại cho các cộng đồng địa phương ngay tại Việt Nam, hay nạn săn trộm ở châu Phi cũng khiến các cộng đồng bản địa bị tước đi sinh kế.
Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam trong các vấn đề trên. Việc giải quyết những vấn đề đó sẽ không chỉ giúp cải thiện pháp quyền, mà còn góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học, di sản chung toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam. châu Âu cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ Việt Nam thực thi một cách phù hợp các cam kết quốc tế và đảm bảo Việt Nam cùng tham gia các nỗ lực toàn cầu vì một tương lai tốt đẹp nhất của con cháu và các thế hệ tương lai của chúng ta.