1. Lồng ghép quyền công dân, quyền con người vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội là điều kiện thiết yếu để đảm bảo các quyền này được phát huy trong thực tế cuộc sống, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạch định và thực thi chính sách nói chung và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói riêng.
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội (bắt đầu từ ngày 20/10 dự kiến đến 22/11/2016) với nghị trình bao gồm hai nhóm nội dung chính. Một là, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2016 và thảo luận mục tiêu của kế hoạch năm 2017. Hai là, thảo luận và thông qua nhiều dự án luật, trong đó có hai dự thảo luật liên quan đến chủ đề bài viết này. Đó là Luật về hội và Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó chế định về quyền con người, quyền công dân trong Chương II từ điều 14 đến điều 49 gồm 36/120 điều của Hiến pháp, chứa đựng nhiều điều nhất và nhiều điểm mới về bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Lồng ghép các quyền các quyền công dân, quyền con người vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng địa phương là sự thể hiện cụ thể Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người (Ảnh minh họa, Cổng thông tin điện tử TP. Đà Nẵng) |
Xin nêu cụ thể: Điều 2, Điều 3, Điều 6, Điều 7, Điều 8… xác định nhiệm vụ của Nhà nước là phải bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện (Điều 3); trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức là phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân (Điều 8).
Nội dung 36 điều của Chương II Hiến pháp năm 2013 đã có thể quán xuyến được hầu hết các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được ghi nhận trong Bộ luật nhân quyền quốc tế (International Bill on Human Rights). Trong ‘Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights) có nêu các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân, bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật.
Trước yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế, việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quyền được công nhận trong Hiến pháp năm 2013 đang là nhu cầu cấp bách và đang dần được triển khai trong thực tế.
3. Xây dựng một xã hội dân chủ văn minh song hành với việc mở rộng và đảm bảo tính khả thi của các quyền công dân, quyền con người để thích hợp hơn với kinh tế thị trường đang chuyển đổi nhanh chóng ở nước ta. Đây là cách tiếp cận hướng đến các giá trị phổ quát với nền tảng lý thuyết chính sách công hiện đại.
Với nghĩa thường dùng trong thực tế, chính sách công – được hiểu là chính sách của Đảng, nhà nước (các cơ quan các cấp có thẩm quyền ban hành và thực thi chính sách).
Trong thời gian gần đây Chính sách công được đưa vào giảng dạy, như một chuyên ngành, một bộ môn khoa và được áp dụng ngày càng rộng trong thực tiễn quản lý nhà nước đang chứng tỏ sự thay đổi mạnh mẽ của kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện hội nhập với thế giới và khu vực đang có nhiều biến động.
Một trong những định nghĩa chính sách công được nhắc lại ở đây là các hành động của nhà nước hướng tới người dân. Bản chất và vai trò nhà nước cần và đang thay đổi để kịp thích hợp với sự chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa). Kinh tế thị trường đang chuyển những bước đáng kể trong 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và làm thay đổi nhiều mặt đời sống xã hội.
Vị trí của người dân cũng dần thay đổi khi mức sống được nâng lên đáng kể và, thậm chí người ta đang nói tới một tầng lớp trung lưu mới đang được hình thành và tăng lên nhanh về số lượng. Với địa vị mới này và để đảm bảo lợi ích của mình, người dân đang có những nhu cầu lớn hơn, ngoài kinh tế, đó là sự tham gia vào các hoạt động tinh thần khác trong đó có chính trị, không chỉ vào các dịp bầu cử hoặc góp ý theo định kỳ với tư cách cử tri, mà còn vào các hoạt động quản trị của chính quyền các cấp.
Chính sách công’ với tinh thần mới, hiện đại với cách tiếp cận, các nguyên tắc và các công cụ xây dựng và thực thi chính sách mới được đón nhận, sao cho những quan điểm ‘lấy dân làm gốc’, nhà nước ‘của dân, do dân và vì dân’ cũng như chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ người dân đi vào cuộc sống theo đúng nghĩa của các ‘cam kết’ mạnh mẽ.
4. Ở nước ta, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã và đang là công cụ quan trọng của nhà nước trong quản lý đất nước và điều hành nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường. Công cụ quản lý này đã có nhiều thay đổi trong quá trình thích ứng với những thay đổi của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thay thế các kế hoạch dài hạn bằng các chiến lược hoặc tầm nhìn, tùy theo cách gọi. Với thời hạn 20 năm, có điều chỉnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 đang được theo dõi và phân tích, khi đích đến đã cận kề, rằng sẽ khó đạt được một số mục tiêu, đặc biệt các chỉ tiêu về kinh tế để đất nước Việt Nam trở thành một nước công nghiệp. Tầm nhìn 2035 là dạng chiến lược theo cách tiếp cận mới được khởi thảo bởi các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và Ngân hàng Thế giới (WB), đã được công bố với các mục tiêu phát triển lạc quan dựa vào các trụ cột phát triển chủ yếu với các giả định quan trọng.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm vẫn là công cụ điều hành quan trọng của chính phủ và chính quyền địa phương, phù hợp với các chu kỳ chính trị của Đảng và các tổ chức nhà nước khác. Hàng năm với các chương trình kế hoạch cụ thể hướng tới các mục tiêu 5 năm được bàn thảo, được huy động nguồn lực để thực thi, coi đấy là cam kết của chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm đối với người dân.
Không đi sâu vào phương diện kỹ thuật hoạch định, song các kế hoạch này được coi là một kiểu chính sách công, bởi vậy cần có cách tiếp cận mới, trong đó các quyền của công dân được nêu trong Hiến pháp năm 2013, cần được thể chế hóa, cụ thể hóa trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp từ trung ương đến địa phương.
5. Lồng ghép các quyền các quyền công dân, quyền con người vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng địa phương là sự thể hiện cụ thể Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người, đồng thời là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các nội dung của các quyền này được lồng ghép thích hợp tùy thuộc vào loại kế hoạch kinh tế - xã hội với tính chất, không gian và thời gian khác nhau. Các điều khoản của từng nội dung, theo nguyên tắc, được đảm bảo bằng các nguồn lực tăng tính khả thi với các biện pháp cụ thể.
Điều này thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm là đổi mới phân bổ và sử dụng nguồn lực quốc gia. Khi nguồn lực đến được với người dân – đối tượng thụ hưởng các chính sách thì quyền của họ được đảm bảo, khiến niềm tin chính sách được nâng lên. Nguồn lực đến với người dân đảm bảo cho họ cảm thấy an toàn, vị thế được nâng lên và được khuyến khích đóng góp xây dựng cộng đồng, không gian sáng tạo, làm giàu cho bản thân và gia đình.
Hơn thế, những cam kết chính sách thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tham gia kiểm tra, giám sát quyền lực, loại trừ lạm quyền, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy công quyền nhằm đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, và kết quả là nguồn lực được sử dụng có hiệu quả.
6. Tóm lại, lồng ghép quyền công dân, quyền con người vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mang lại lợi ích to lớn, là yêu cầu tất yếu của việc tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước, tiếp tục đường lối mở cửa, hội nhập khu vực và quốc tế. Đây cần được coi cách tiếp cận toàn diện, một công cụ mạnh mẽ thích hợp để xây dựng một xã hội phát triển văn minh.
* Thời gian: 13h30 ngày 9 tháng 11 năm 2016
* Địa điểm: Phòng 505, Học viện Chính sách và Phát triển, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội
* Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển...