Mong thời gian lâu hơn
Đã xuất hiện tiếng thở dài từ một số lãnh đạo công ty cổ phần quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông sau khi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) thông qua Phương án đấu thầu công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ năm 2018.
“Chúng tôi đợi chờ các gói thầu có thời hạn thực hiện từ 5 năm trở lên, chứ không phải 3 năm như Phương án”, lãnh đạo một công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo trì đường bộ có trụ sở tại Hà Nội cho biết.
Dàn máy móc đặc chủng của các công ty bảo trì đường bộ sẽ bỏ không nếu chỉ thắng thầu một lần |
Trước đó, trong Phương án đấu thầu công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ được thông qua vào giữa tháng 8/2017, Bộ GTVT chỉ chấp thuận thực hiện các hợp đồng đấu thầu công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên có thời hạn 3 năm (kể từ năm 2018 đến hết năm 2020) như Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2017.
Liên quan đến quy mô và phạm vi gói thầu bảo trì đường bộ, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, căn cứ điều kiện cụ thể để phân chia gói thầu cho phù hợp và đảm bảo theo pháp luật về đấu thầu.
“Kinh phí quản lý và bảo trì của từng năm được lấy theo kinh phí của năm 2017 được Bộ GTVT phê duyệt và cộng thêm yếu tố trượt giá - mỗi năm được tạm tính 5% so với năm trước đó, với điều kiện chế độ chính sách về tiền lương và giá cả thay đổi do nhà nước quy định”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo.
Cần phải nói thêm rằng, trong phương án đấu thầu công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ giai đoạn 5 năm (2018 - 2022) trình lên Bộ GTVT vào tháng 7/2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam muốn áp dụng thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu là 5 năm.
“Thời gian hợp đồng 5 năm là để nhà thầu có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ tốt hơn việc bảo dưỡng thường xuyên, đồng thời quy mô gói thầu cũng tăng lên, tạo thêm sức hấp dẫn cho các gói thầu”, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam giải thích.
Trên thực tế, nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị trong công tác bảo trì rất lớn như: Máy hút rác, máy rửa đường, máy cào bóc sửa chữa đường... kinh phí có thể lên tới hàng chục tỷ đồng và các doanh nghiệp bảo trì đường bộ với quy mô vốn nhỏ đều sẽ phải vay vốn thương mại để đầu tư.
Tuy nhiên, nếu các gói thầu bảo trì chỉ kéo dài 3 năm, thời gian khấu hao là không đủ. Các doanh nghiệp lo ngại rằng, nếu đợt sau không tiếp tục trúng thầu thì dàn máy móc đặc chủng này không biết dùng vào việc gì.
“Đây là lý do khiến cho doanh nghiệp không muốn đầu tư thiết bị, dù chúng giúp làm tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng bảo trì các tuyến đường”, ông Lê Công Xuân, Phó giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 cho biết.
Giá sẽ tốt hơn
Mặc dầu vậy, vẫn có những thay đổi tích cực trong phương án đấu thầu công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ sắp được triển khai từ năm 2018.
Theo đại diện Công ty cổ phần 248, việc neo kinh phí bảo trì 3 năm tới vào định mức của năm 2017 vừa được Bộ GTVT hướng dẫn sẽ giúp giá dự toán các gói thầu bảo trì được cải thiện, mặc dầu vẫn còn khoảng cách nhất định so với kỳ vọng của các nhà thầu.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn giá bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ của 4 gói thầu được chọn thí điểm năm 2013 dao động từ 80 - 90 triệu đồng/km/năm (bao gồm cả cầu và cống). Đầu năm 2014, Bộ GTVT có chủ trương cắt giảm hạn mức chi phí bảo dưỡng thường xuyên từ năm 2014 - 2017 chỉ còn 25 triệu đồng/km/năm.
Do cắt giảm nhiều, các cơ quan quản lý lúng túng dẫn đến vẫn quy định tất cả các nội dung của bộ tiêu chí nghiệm thu đánh giá theo Quyết định số 2196/QĐ - BGTVT ngày 29/7/2013 của Bộ GTVT trong các hồ sơ mời thầu, nên các nhà thầu bỏ giá cao hơn giá dự toán khoảng 2 lần, có gói thầu cao hơn 3 lần. Hậu quả là toàn bộ các gói thầu có định mức 25 triệu đồng/km/năm mời thầu năm 2014 đã diễn ra không thành công.
Việc đấu thầu với giá trần 25 triệu đồng/km/năm chỉ diễn ra bình thường trở lại sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp nhận cắt và hạ thấp một số tiêu chí, trong đó, phần sửa chữa mặt đường không có trong các công việc bảo dưỡng thường xuyên. Hạn mức này sau đó được các cơ quan quản lý nhà nước nới dần lên khoảng 50 triệu đồng/km/năm để phù hợp với diễn biến thực tế.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, cần tăng giá trị dự toán bảo dưỡng quốc lộ, tối thiểu đạt mức bình quân chung cả năm 2017 là 50 triệu đồng/km/năm, các năm tiếp theo được bổ sung chi phí trượt giá để làm căn cứ lập, duyệt dự toán và tổ chức đấu thầu nhằm đảm bảo những chi phí tối thiểu cho bảo dưỡng thường xuyên mặt đường, lề, rãnh thoát nước, vệ sinh, sơn dặm trên đường.
Bên cạnh đó, các gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tới đây có thể có chiều dài khoảng 200 km đến trên 300 km (trừ các trường hợp có tuyến ngắn nằm xa các tuyến khác do bị xen giữa các dự án BOT, dự án quản lý tài sản đường bộ, dự án xây dựng cơ bản và đặc thù khác).
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề xuất Bộ GTVT cho phép: 1 gói thầu bảo dưỡng thường xuyên sẽ gồm nhiều tuyến quốc lộ. Mục đích là đẩy mạnh việc ứng dụng máy móc thiết bị như máy san bạt lề, cào bóc tái chế và cào bóc hằn lún, ô tô bán tải tuần đường thay nhân công và thay các phương tiện thô sơ.
“Khi nâng quy mô gói thầu kèm theo yêu cầu năng lực nhà thầu phải đáp ứng tương xứng. Trong công tác tuần đường, tới đây, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu phải tuần đường bằng xe ô tô thay vì xe máy như hiện nay. Việc tăng chiều dài và quy mô một gói thầu cũng làm giảm số lượng gói thầu để thuận tiện cho kiểm tra, nghiệm thu, thanh toán và thanh kiểm tra, quyết toán”, ông Vũ Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết.