Đầu tư
Đấu thầu cung cấp thang máy Bệnh viện Lao tỉnh Kiên Giang: Lãnh đạo vào cuộc, hàng Việt… có cửa sống!
Ngọc Tuấn - 27/06/2016 08:13
Vừa phát đi thông báo và bán hồ sơ mời thầu, cuộc đua giành quyền cung cấp hệ thống thang máy cho Bệnh viện Lao tỉnh Kiên Giang đã “nóng”. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thang máy trong nước lại thất vọng tràn trề khi hàng Việt bị “cấm cửa”.
TIN LIÊN QUAN

0 điểm cho hàng Việt

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, ông Lê Hoàng Anh đã ký Quyết định số 113/QĐ-SYT phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu số 43b, với nội dung “cung cấp thang máy thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Lao tỉnh Kiên Giang”. Cũng tại quyết định này, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang giao Ban quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng trực thuộc Sở Y tế và đơn vị tư vấn phát hành hồ sơ mời thầu, tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu để chọn lựa nhà thầu.

Ngày 13/6/2016, đơn vị tư vấn đấu thầu là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thống Nhất, phát đi thông báo mời thầu cho gói thầu 43b nói trên. Gói thầu này sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, áp dụng phương thức một giai đoạn, một túi hồ sơ và thời gian bán hồ sơ mời thầu từ ngày 17- 27/6/2016. Sau khi mua hồ sơ, một số nhà thầu phát hiện những bất hợp lý trong hồ sơ mời thầu nhằm loại hàng Việt.

Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Lao tỉnh Kiên Giang đang vào giai đoạn nước rút. Ảnh: Ngọc Tuấn

Theo bảng dữ liệu đấu thầu, mục tiêu của gói thầu này là tìm nhà thầu cung cấp, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống 2 thang máy tải bệnh nhân có tải trọng 1.350 kg, tốc độ 60 m/phút, 3 điểm dừng, điều khiển đơn, sản xuất từ năm 2016 trở về sau và thiết bị đồng bộ mới 100%. Trong Mục 3 về tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật được thể hiện trong hồ sơ mời thầu là phương pháp chấm điểm. Theo đó, điểm đánh giá tối đa là 25, và tối thiểu 15.

Cùng với quy định chung như vậy, phần điểm cụ thể được quy định tại điểm 4, phần I như sau: toàn bộ thiết bị và phụ kiện đi kèm mới 100%,  sản xuất từ năm 2016 trở về sau, được nhập khẩu đồng bộ và trực tiếp từ một nước thuộc nhóm các nước triển G7 và các nước EU (Liên minh châu Âu) được đánh giá 20 điểm; thiết bị và phụ kiện đi kèm mới 100%, sản xuất năm 2016, được nhập khẩu đồng bộ  từ Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc được đánh giá 10 điểm; Toàn bộ thiết bị và phụ kiện đi kèm mới 100%, sản xuất từ năm năm 2016 trở về sau, sản xuất đồng bộ từ các nước khác (ngoài 2 nhóm nước kể trên) được đánh giá 5 điểm. Các trường hợp khác ngoài 3 nhóm nước trên được đánh giá 0 điểm.

Một nhà thầu (yêu cầu không nêu tên) đã cho biết, nhìn vào barem này thì thấy, hàng Việt được mặc định xếp vào nhóm bét bảng và được đánh giá 0 điểm. Nhà thầu này cũng khẳng định thêm rằng, gói 43b đòi hỏi các đặc tính kỹ thuật không có gì quá sức với khả năng đáp ứng bởi nhà thầu trong nước và bằng  sản phẩm nội địa. Đại diện này còn cho biết thêm, từ nhiều năm, doanh nghiệp Việt đã sản xuất được sản phẩm tầm cao hơn so với loại thang máy được yêu cầu tại gói thầu (3 điểm dừng, tốc độ 60m/phút, tải trọng 1.350 kg).

Để minh chứng cho nhận định của mình, nhà thầu này viện dẫn Quyết định số 10326/QĐ-BCT ngày 14/11/2014 của Bộ Công thương về “Bổ sung danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được”. Theo đó, với mặt hàng thang máy tải giường bệnh nhân, quyết định này đã ghi nhận trong nước sản xuất được loại tải trọng 1.600 kg (nằm trong dãy tải trọng 320 kg - 2.000 kg), chở 21 người, 2 cánh mở về một phía, tốc độ 60 m/phút, 6 điểm dừng.

“Yêu cầu tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu thấp hơn cả hàng Việt hiện nay làm được, vậy tại sao lại có sự ưu ái cho hàng nhập khẩu, đồng thời tuyệt nhiên không có chỗ cho hàng Việt? Tôi không hiểu, nhưng có thể có cách giải thích là chủ đầu tư mắc tâm lý sính ngoại, hoặc có mục đích loại hàng Việt để nhắm tới nhà thầu cung cấp hàng nhập khẩu nào đó”, nhà thầu giấu tên nói. 

Cần lưu ý rằng, khoản 7, Điều 12, Nghị định 63 của Chính phủ quy định về lập hồ sơ mời thầu chỉ rõ: “Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa…”. Còn Thông tư 05/2015/TT - BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập tại mục C, khoản 5, Điều 3 là: “Không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự canh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử…”

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 228/TTg - KTN yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt Chỉ thị 494/CT - TTg để chấn chỉnh việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu dự án sử dụng vốn nhà nước. Thủ tướng cũng yêu cầu bổ sung nội dung “trong hồ sơ mời thầu không được quy định cụ thể xuất xứ, hàng hóa cũng như không được đưa yêu cầu hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc… để đảm bảo thúc đẩy sản xuất hàng nội địa”.

Thêm một điều khó hiểu nữa được thể hiện trong hồ sơ mời thầu này là, sau khi đã xếp hàng Việt “bét bảng”, nhưng trong Mục 32 (Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu) lại quy định: “Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi cung cấp hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ 25% trở lên”.

Rà soát và khẩn cấp sửa sai

Trao với phóng viên Báo Đầu tư trong cuộc làm việc sáng ngày 23/6, ông Phạm Văn Thoại, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, Sở tiếp thu phản ánh báo nêu về những bất cập trong hồ sơ mời thầu và sẽ rà soát ngay để thực hiện theo đúng tinh thần quy định pháp luật. Quan điểm của Sở là, công tác đấu thầu phải đảm bảo công bằng, minh bạch trong cạnh tranh và không có sự phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất trong nước.

Về nguyên nhân để xảy ra sai sót không đưa hàng Việt vào danh mục hàng hóa để xét chọn trong quá trình duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu 43b, ông Thoại cho biết, Ban quản lý dự án muốn đảm bảo chất lượng bằng việc đề cao tính đồng bộ của các thiết bị. Thang máy vận chuyển bệnh nhân là hạng mục phải đảm bảo an toàn cao. Thực tế cho thấy, có không ít loại thang máy sản xuất trong nước có chất lượng hạn chế (???)

“Trong tỉnh có một dự án dùng thang máy sản xuất trong nước, nhưng quá trình sử dụng vận hành không êm và phải sửa tới, sửa lui. Chúng tôi thiếu thông tin về lĩnh vực thang máy của Việt Nam. Từ những lý do đó mà quá trình lập hồ sơ mời thầu đơn vị tư vấn quên đưa hàng Việt vào danh mục lựa chọn. Sở sẽ xem xét để kịp thời điều chỉnh sai sót trong hồ sơ mời thầu trước khi mở thầu ngay trong chiều nay”, ông Thoại nói.

Cần thông tin thêm, ngay chiều 23/6, ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã ký ban hành Quyết định số 132/QĐ-SYT về việc phê duyệt sửa đổi hồ sơ mời thầu Gói thầu 43b: Thang máy thuộc Dự án Bệnh viện Lao Kiên Giang. Theo đó, hồ sơ mời thầu bổ sung nội dung “Toàn bộ thiết bị và phụ kiện đi kèm được sản xuất tại Việt Nam, đồng bộ mới 100% trong năm 2016 trở về sau” vào Mục 3 về tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật và được áp barem 20 điểm cùng với nhóm nước G7 và các nước EU.

Sự vào cuộc nhanh chóng từ phía lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã kịp thời mở ra cơ hội cạnh tranh công bằng cho hàng Việt ngay tại sân nhà.

Tin liên quan
Tin khác