![]() |
Đấu thầu qua mạng có sự tăng trưởng mạnh qua các năm |
Trong đó, có 4.500 gói thầu đã đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu với tổng giá gói thầu khoảng 7.080 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu khoảng 6.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm (8,2%), cao hơn so với đấu thầu truyền thống (6,98%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, so với năm 2016, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2017 tăng 2,5 lần (8.200 gói so với 3.327 gói) với tổng giá gói thầu tăng khoảng 4 lần (12.000 so với 3.020 tỷ đồng). Trong đó, đấu thầu mua sắm hàng hóa có tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng cao nhất (4.176 gói thầu, cao hơn 2 lần so với năm 2016), chiếm 61% tổng số gói thầu. Tiếp theo là đấu thầu xây lắp, có tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng chiếm 30% với 2007 gói thầu (cao gấp 3 lần so với năm 2016), còn lại là đấu thầu dịch vụ phi tư vấn với 608 gói thầu, chiếm khoảng 9% tổng số gói thầu đấu thầu qua mạng.
Theo hình thức lựa chọn nhà thầu, trong năm 2017, tổng số gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và chào hàng cạnh tranh rút gọn đều tăng gấp khoảng 2 lần so với năm 2016. Cụ thể, số gói thầu đấu thầu qua mạng áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi chiếm tỷ lệ cao nhất với 3.936 gói thầu, chiếm 48%; chào hàng cạnh tranh có tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng đứng thứ 2 với 2.952 gói thầu, chiếm 36% và còn lại là chào hàng cạnh tranh rút gọn với 1.312 gói thầu, chiếm 16%.
Kết quả thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ghi nhận một số cơ quan, đơn vị tích cực thực hiện đấu thầu qua mạng, đáp ứng chỉ tiêu theo lộ trình quy định như: UBND thành phố Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị triển khai đấu thầu qua mạng cầm chừng, không tuân thủ lộ trình theo quy định. Trong năm 2017, còn 62 tỉnh/thành phố; 34 bộ, ban ngành và cơ quan ngang bộ; 17 tập đoàn/tổng công ty không đảm bảo lộ trình đấu thầu qua mạng. Đặc biệt, đến hết năm 2017, vẫn còn 41 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đấu thầu qua mạng.
Đấu thầu qua mạng đang tiếp tục phát triển và được thể hiện thông qua số lượng các đơn vị (bên mời thầu và nhà thầu) đăng ký vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tiếp tục gia tăng mạnh. Cụ thể, năm 2017, số lượng bên mời thầu đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là 17.637 bên mời thầu, tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2016 (12.264 bên mời thầu); số lượng nhà thầu đăng ký năm 2017 là 62.018 nhà thầu, tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2016 (44.281 nhà thầu).
Số lượng kế hoạch lựa chọn nhà thầu và thông báo mời thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia năm 2017 lần lượt là 68.973 kế hoạch (tăng 1,5 lần so với năm 2016 (46.898 kế hoạch) và 93.000 thông báo mời thầu (nhiều hơn năm 2016 là 12.000 thông báo mời thầu). Tỷ lệ chủ đầu tư, bên mời thầu tự dùng chứng thư số để đăng tải thông tin đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia năm 2017 là 51%, tăng 1,5 lần so với năm 2016 (35%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, kết quả nêu trên là minh chứng rõ ràng rằng chủ trương và lộ trình ứng dụng đấu thầu qua mạng là đúng đắn, ngày càng được sự ủng hộ của chủ đầu tư, bên mời thầu, cộng đồng doanh nghiệp, nhà thầu và người dân.