Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chiều nay 21/4 mất 2,18% còn chỉ số Topix giảm 1,35%. Ảnh: AFP |
Chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay “đỏ lửa”, với chỉ số Shanghai Composite giảm 1,35% còn Shenzhen Composite trượt sâu hơn với 1,55%. Tại thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng mất 2,29%.
Trượt dốc sâu hơn thị trường Trung Quốc, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chiều nay mất 2,18% khi cổ phiếu “nặng ký” của hãng bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Fast Retailing và tập đoàn công nghiệp SoftBank đều “bay hơi” 4%. Trong khi đó, chỉ số Topix sụt giảm 1,35%.
Sắc đỏ cũng bao phủ chứng khoán Australia với chỉ số S&P/ASX 200 giảm 1,83%. Ngân hàng Trung ương Australia hôm nay 21/4 công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 4. Theo biên bản này, Ngân hàng Trung ương Australia vẫn cam kết hỗ trợ việc làm, thu nhập của người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh nước này đang gồng mình chống dịch Covid-19. Theo đánh giá của Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Australia, các ngân hàng tại nước này đang trong tình trạng tốt để hỗ trợ đối phó với dịch Covid-19.
Trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số Kospi chiều nay sụt giảm 2,08% còn chỉ số Kosdaq trượt sâu hơn với 2,95%. Đồng won Hàn Quốc mất giá đáng kể so với đô la Mỹ khi giảm 1,02% và giao dịch ở mức 1.233,07 KRW/USD.
Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm mạnh 2,3%.
Chứng khoán Mỹ đêm qua “rực lửa” khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones chốt phiên mất 592,05 điểm về 23.650,44 điểm, còn chỉ số S&P 500 giảm 1,8% và đóng cửa với 2.823,16 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite kịp hồi lại 1% để kết thúc phiên giao dịch với 8.560,73 điểm.
Diễn biến trượt dốc của chứng khoán Mỹ xảy ra sau khi giá dầu WTI giao kỳ hạn tháng 5 và đáo hạn hôm 21/4 đã lao dốc hơn 100% về mức - 37,63 USD/thùng. Nguyên nhân được chỉ ra là tác động kép từ nhu cầu dầu mỏ thế giới bị "đóng băng" do dịch Covid-19 còn sức chứa dầu của các nước không còn nhiều.
Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay đã quay đầu hồi phục với giá dầu WTI giao kỳ hạn tháng 5 trở lại vùng dương và giao dịch ở mức 1,38 USD/thùng, còn dầu WTI giao kỳ hạn tháng 6 tăng giá 4,6% lên 21,37 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 0,7% xuống 25,39 USD/thùng.
“Thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục gặp thách thức kép bởi nhu cầu dầu mỏ chững lại khi nền kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn cấp bách chống dịch Covid-19 cùng với sự bất lực của ngành năng lượng toàn cầu trước biến cố nhu cầu dầu mỏ sụp đổ trong một thời gian ngắn”, Ben Powell, chuyên gia phân tích đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Quỹ đầu tư BlackRock bình luận.
Thị trường tiền tệ chiều nay ghi nhận chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng từ mức 99,928 lên 100,145. Đồng yên Nhật Bản giao dịch ổn định quanh mức 107,53 JPY/USD còn đô la Australia trượt giá và trao tay ở mức 1 AUD/0,6305 USD.