Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) |
Theo ông, khó khăn của thị trường chứng khoán (TTCK) do chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các nhà đầu tư như thế nào?
Dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng tiêu cực, làm gián đoạn cung ứng và giảm sút nhu cầu, dẫn tới biến động giá cổ phiếu trên TTCK, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc nắm bắt, định hình diễn biến thị trường.
Với sự lao dốc của các TTCK trọng yếu trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, các chỉ số chứng khoán của thị trường Việt Nam cũng theo đó giảm sút.
Quý I/2020, Việt Nam trở thành một trong những TTCK giảm mạnh nhất khu vực châu Á. Với mức giảm 34% kể từ khi dịch bùng phát và giảm 45% từ đỉnh 1.200 điểm của VN-Index cách đây 2 năm tính cuối tháng 3/2020, chứng khoán Việt Nam bị định giá ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN và các thị trường mới nổi.
Ðến ngày 14/4, VN-Index đóng cửa ở mức 662,53 điểm, tương ứng giảm 31,06% so với cuối năm 2019. Diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã tác động lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư, khiến họ liên tục bán tháo cổ phiếu, dần tháo chạy khỏi TTCK.
Về giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài, theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 8.000 tỷ đồng trong tháng 3/2020. Riêng phiên 30/3, lượng cổ phiếu bán ra góp phần khiến vốn hóa thị trường “bốc hơi” hơn 5 tỷ USD.
Ngoài ra, hầu hết các ngành nghề hiện nay đều bị tác động tiêu cực bởi Covid-19 như du lịch, hàng không, bán lẻ…, dẫn tới các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư vào các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề ít tác động bởi dịch như viễn thông, công nghệ, dược phẩm…
Một số nhà đầu tư khác tiếp tục quan sát, chờ thị trường phục hồi. Nhìn theo hướng tích cực, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, TTCK trong bối cảnh hiện nay mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn, khi giá cổ phiếu giảm mạnh, xoay quanh giá trị thực.
Khó khăn với TTCK được dự báo có thể kéo dài do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Liệu điều này có khiến nhà đầu tư thêm rời bỏ thị trường?
Nếu điều này tiếp tục xảy ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của TTCK. Tâm lý nhà đầu tư chi phối rất lớn đến mức độ ổn định của thị trường, nếu các nhà đầu tư bi quan về tương lai của TTCK, họ sẽ bán cổ phiếu.
Ðiều này khiến cho thị trường đi xuống thấp hơn, giá cổ phiếu sụt giảm. Hơn nữa, khi chỉ số TTCK giảm, dẫn tới thiếu hụt vốn, cán cân tài khoản vãng lai dự kiến sẽ rơi vào thâm hụt, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, đại dịch dần trôi qua, một số thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu đang lên kế hoạch tái mở cửa thị trường trong 2 - 3 tuần tới, nhằm mau chóng phục hồi kinh tế. Trung Quốc - tâm điểm bùng phát dịch, đồng thời là trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới, đang thúc đẩy các hoạt động sản xuất - kinh doanh trở lại.
Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, theo ông, cách nào để trợ giúp nhà đầu tư?
Ðể hỗ trợ các nhà đầu tư, có rất nhiều giải pháp có thể áp dụng ngay trong nội bộ các công ty chứng khoán và cả các chính sách áp dụng toàn diện của Nhà nước.
Có thể thấy, ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và ảnh hưởng đến TTCK đã có nhiều công ty chứng khoán công bố chính sách hỗ trợ nhà đầu tư như Chứng khoán AIS thông báo giảm lãi suất giao dịch ký quỹ từ 9,5%/năm xuống 9%/năm; Chứng khoán VPS, Chứng khoán FPT, Chứng khoán Kiến Thiết miễn phí giao dịch…
VAFI dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét lại chính sách thuế đối với đầu tư chứng khoán theo hướng giảm hoặc miễn thuế trong một thời gian, để tạo động lực phục hồi cho thị trường trong năm 2020.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã áp dụng, Chính phủ nên ban hành những quy định nhằm hỗ trợ nhà đầu tư cũng như công ty chứng khoán để các tổ chức này thực hiện tốt hơn các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư. Theo đó, nên giảm thuế hay gia hạn thời gian nộp thuế cho các công ty kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán.
Giải pháp có khả năng tác động tích cực đến dòng tiền vào thị trường là nới rộng tỷ lệ đầu tư của khối ngoại trong các doanh nghiệp đại chúng.
Với khối ngân hàng, có thể tăng tỷ lệ này từ mức tối đa 30% như hiện tại lên thêm 5 - 10% cho nhà đầu tư nước ngoài dưới dạng cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Thực hiện những đợt bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mạnh trên TTCK như một số năm trước cũng sẽ là động lực thu hút sự quan tâm của dòng tiền đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, duy trì niềm tin cho nhà đầu tư bằng cách cung cấp thông tin chính thống, chuẩn mực để giảm thiểu ảnh hưởng bởi các tin đồn không có lợi.
Giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả, giúp TTCK sớm phục hồi.
Ông có cho rằng, Quốc hội nên miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thuế giao dịch chứng khoán (hiện tại là 0,1%/giá trị giao dịch từng lần và 5% cổ tức nhận được bằng tiền mặt)?
Tuy Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 50% mức phí, lệ phí trong lĩnh chứng khoán theo dự thảo thông tư quy định mức thu phí, lệ phí trong lĩnh chứng khoán, đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý, nhưng theo đề xuất từ nhiều công ty chứng khoán, chuyên gia và nhà đầu tư, Bộ Tài chính và UBCK nên đề xuất Chính phủ thêm về miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thuế giao dịch chứng khoán: 0,1%/giá trị giao dịch từng lần và thuế 5% đánh vào phần cổ tức nhận được bằng tiền mặt.
Lý do của đề xuất này là các nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của TTCK.
Nếu không có chính sách hỗ trợ họ trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì rất dễ dẫn tới xu hướng bán tháo, rời bỏ thị trường, tác động trực tiếp tới các công ty niêm yết cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán. Việc miễn, giảm 2 loại thuế này sẽ kích thích nhà đầu tư cá nhân tham gia vào TTCK.
Trong trường hợp chỉ một trong hai loại thuế có thể miễn được, thì loại thuế 5% khi nhận cổ tức bằng tiền mặt nên xem xét được miễn.
Vì nếu miễn, giảm thuế nhận cổ tức bằng tiền mặt, các nhà đầu tư có lý do nắm giữ cổ phiếu để ở lại với thị trường, tránh bán tháo thêm gây áp lực lên thị trường.
Ngoài ra, loại thuế thu nhập cá nhân đánh vào thu nhập chứng khoán được coi là không cần thiết, bởi trước đó khoản lợi nhuận từ cổ phần của doanh nghiệp đã phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, sau đó khi chia cổ tức cho các cổ đông lại tiếp tục bị đánh thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, có thể coi là đã bị đánh thuế hai lần. Có thể tham khảo kinh nghiệm ở các nước như Anh, Pháp. Các nước này đều đã bãi bỏ thuế thu nhập cá nhân đánh vào phần cổ tức của nhà đầu tư, mà chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công ty cho khoản lợi nhuận đó.
Ở Việt Nam, việc duy trì thuế thu nhập cá nhân trong hoàn cảnh hiện nay trở thành gánh nặng không cần thiết cho nhà đầu tư, khi họ vẫn phải đóng thuế, mặc dù đầu tư thua lỗ.
Biện pháp trước mắt để giải quyết nhanh chóng áp lực cho nhà đầu tư trong bối cảnh đại dịch hiện nay là miễn, giảm loại thuế này trong năm 2020, hoặc cho đến khi thị trường ổn định trở lại.
Ðiều này không chỉ giúp nhà đầu tư giảm bớt thiệt hại, mà còn khuyến khích họ tham gia vào thị trường. Trường hợp Nhà nước không thể miễn thuế thì các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét giảm ít nhất 50% mức thuế này, từ 0,1% xuống 0,05%.