Theo dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API), tồn kho dầu thô của nước này đã giảm khoảng 2,4 triệu thùng. Ảnh: AFP |
Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã giảm hơn 15% do lãi suất tăng ảnh hưởng đến khẩu vị của giới đầu tư, trong khi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chững lại sau vài tháng mức tiêu dùng vẫn ở mức thấp hơn kỳ vọng.
Dầu Brent giao kỳ hạn trượt giá 43 cent vào lúc 13h48 (giờ GMT) ngày 28/6, tương đương 0,6%, xuống 71,83 USD/thùng. Tương tự, dầu thô WTI của Mỹ rớt giá 12 cent, tương đương 0,2%, xuống 67,58 USD/thùng.
Trước đó cùng ngày 28/6, cả dầu Brent và WTI cùng nhích giá sau thông tin từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô của nước này đã giảm khoảng 2,4 triệu thùng.
Trong khi các mức giá dầu giao ngay không đồng nhất, mức chiết khấu của dầu Brent giao tháng 7 đã tăng lên, một cấu trúc được gọi là contango (bù hoãn mua - tình huống mà giá kỳ hạn của hàng hóa cao hơn giá giao ngay được dự kiến trong tương lai cho hàng hóa đó).
Ông Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank, nhận định: "Hiện tại, thị trường vẫn bị mắc kẹt với những lo ngại về nhu cầu". "Cắt giảm sản lượng của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) đã giúp ngăn chặn một bước thụt lùi sâu hơn", ông Hansen nói thêm.
Chuyên gia Saxo Bank cho rằng: "Nhìn chung, lĩnh vực hàng hóa, bao gồm cả dầu thô, đang chịu rủi ro trong bối cảnh lo ngại về kết quả tăng trưởng của Trung Quốc và số liệu kinh tế Mỹ đang ám chỉ các mức lãi suất tăng cao hơn".
Lãi suất cao hơn có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, khẳng định động thái ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp vừa qua có thể chỉ là "quãng nghỉ" ngắn ngủi chứ không phải là dấu hiệu cho thấy Fed đã hoàn tất lộ trình tăng lãi suất.
Người đứng đầu Fed cũng cho biết dự kiến sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất trong năm nay, kể cả tốc độ tăng chậm hơn, cho đến khi đạt được nhiều tiến triển hơn trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo đó, nhiều khả năng lãi suất cơ bản sẽ tăng tổng cộng 0,5 điểm phần trăm cho đến cuối năm 2023, nghĩa là sẽ có thêm hai đợt tăng lãi suất nếu mỗi đợt tăng 0,25 điểm phần trăm. Lãi suất cơ bản hiện được Fed ấn định trong ngưỡng 5 - 5,25%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà cơ quan này đề ra.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, hôm 27/6 cho biết lạm phát cao dai dẳng sẽ khiến cơ quan này tránh tuyên bố chấm dứt tăng lãi suất.
Ông Tamas Varga, nhà phân tích tại công ty môi giới dầu mỏ PVM, đánh giá: "Điểm yếu là sự kết hợp giữa kỳ vọng tăng lãi suất hơn nữa theo đề xuất của Chủ tịch ECB và nguồn cung thể hiện trong cấu trúc suy yếu của hai loại dầu thô giao kỳ hạn chính".
Một số nhà phân tích cho rằng, thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt vào nửa cuối năm 2023 một phần do tác động từ việc cắt giảm nguồn cung của OPEC và các đồng minh cùng với việc Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng trong tháng 7.