Đầu tư
Đầu tư 1,6 tỷ USD vào Bắc Ninh, Amkor “dẫn vốn” vào công nghiệp bán dẫn?
Nguyên Đức - 11/11/2021 08:05
Việc Amkor Technology, Inc (Mỹ) quyết định đầu tư dự án 1,6 tỷ USD sản xuất vật liệu bán dẫn tại Bắc Ninh đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư lĩnh vực này.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang và ông JONGRIP JI, Chủ tịch Công ty Amkor ký kết thỏa thuận phát triển dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn

“Cú hích” Amkor

Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, cuối tuần qua, UBND tỉnh và Công ty Amkor Technology, Inc (Mỹ) đã ký kết thoả thuận phát triển Dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C.

Theo kế hoạch, Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 23 ha, với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn đầu có vốn đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Nếu mọi việc thuận lợi, Dự án dự kiến khởi công giai đoạn đầu vào quý I/2022 và tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra Hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.

Thông tin được ông Jonggrip Ji, Chủ tịch Amkor chia sẻ, Amkor sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giai đoạn I của nhà máy ở Bắc Ninh để có thể sản xuất hàng loạt từ năm 2023. Để chuẩn bị cho việc triển khai Dự án, Amkor cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc thuê đất với Tổng công ty Viglacera, chủ đầu tư hạ tầng KCN Yên Phong.

Mặc dù mới chỉ là những thỏa thuận ban đầu, còn một chặng đường không ngắn để Dự án có thể được hiện thực hóa, song động thái này cho thấy những tín hiệu tích cực từ Dự án.

Hồi tháng 8/2021, Amkor đã có thư gửi các cơ quan chức năng Việt Nam đề nghị tạo điều kiện để các chuyên gia cấp cao của Công ty tới làm việc. Khi ấy, đoàn công tác của Amkor đã muốn tới Bắc Ninh vào cuối tháng 8 để thảo luận về dự án này. Trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc Amkor tìm tới tận Việt Nam và ký thỏa thuận đầu tư một dự án quy mô lớn đã cho thấy quyết tâm không nhỏ của nhà đầu tư này.

Trong thư gửi các cơ quan chức năng hồi tháng 8, lãnh đạo Amkor, một công ty khởi nghiệp kinh doanh chất bán dẫn tại Hàn Quốc và Mỹ từ năm 1986 (Amkor có trụ sở tại Mỹ, nhưng nhà sáng lập là người Hàn Quốc - PV) đã nhấn mạnh rằng, họ đang tìm kiếm địa điểm phù hợp và tối ưu nhất để đáp ứng được sự tăng trưởng của thị trường và sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

“Chúng tôi tin rằng, Việt Nam, với nguồn lao động chất lượng cao và tiềm năng tăng trưởng sẽ giúp Công ty nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh”, bức thư do bà Yoon-young Park, Phó chủ tịch Amkor ký đã cho biết.

Và cơ hội cho ngành bán dẫn Việt Nam

Có một thông tin quan trọng cũng đã được bà Yoon-young Park ký gửi tới các cơ quan chức năng Việt Nam. Đó là, dự án này cũng là “cơ hội tốt để phát triển công nghệ chất bán dẫn thế hệ mới ở Việt Nam”. “Chúng tôi hy vọng giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển chuỗi bán dẫn”, bà Yoon-young Park nhấn mạnh.

Hôm Bắc Ninh ký thỏa thuận hợp tác với Amkor, lãnh đạo tỉnh này cũng thật tâm chia sẻ rằng, việc thu hút được dự án đầu tư với số vốn lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khẳng định quyết tâm cũng như uy tín của tỉnh Bắc Ninh đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng quan trọng hơn, dự án này sẽ tạo tiền đề để tỉnh Bắc Ninh xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn.

“Đây cũng là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh trong những năm tiếp theo, qua đó, tạo điều kiện thu hút thêm các nhà đầu tư lớn trên thế giới”, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan nói.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, Amkor chính là công ty tiên phong trong việc gia công, kiểm tra và đóng gói vi mạch điện tử và hiện là đối tác sản xuất chiến lược cho nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu. Cả Samsung và Apple đều là khách hàng của công ty này.

Bởi thế, việc Amkor có mặt tại Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng nhà đầu tư thế giới, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn - ngành công nghiệp chưa phát triển tại Việt Nam và Việt Nam rất mong muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Hồi tháng 10/2020, khi “Thái tử” Samsung Lee Jae Yong sang Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi ấy đang là Thủ tướng Chính phủ) đã đề nghị Samsung đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam, bởi đây cũng là thế mạnh của tập đoàn này.

Trong khi đó, Việt Nam cũng rất mong mỏi hút đầu tư vào lĩnh vực này. Các địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội đều đã nhiều lần công bố kế hoạch đó, song thực tế, không nhiều nhà đầu tư sẵn sàng dốc vốn vào Việt Nam.

Hiện nay, ngoài Intel ở TP.HCM và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, thì còn có thể kể đến Renesas, Applied Micro, Splendid, Sonion…, song dự án quy mô nhỏ. Thông tin tích cực là đầu năm nay, Intel đã quyết định đầu tư thêm 475 triệu USD vào Việt Nam, sau dự án đầu tiên 1 tỷ USD. Thậm chí Intel cũng đã lên kế hoạch đầu tư giai đoạn II với quy mô trên 2 tỷ USD.

Công nghiệp bán dẫn đang được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên toàn cầu. Covid-19 đã khiến nguồn cung chất bán dẫn thiếu trầm trọng và đó là cơ hội để phát triển các dự án bán dẫn quy mô lớn.

Liệu Việt Nam có thể trở thành “bến đỗ” cho các dự án này?

Tin liên quan
Tin khác