Đầu tư "App" để quảng bá sản phẩm làng nghề của Hà Nội
Nón Làng Chuông là một trong những sản phẩm làng nghề đã đi vào văn hóa của người Việt |
HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội
Trước khi nghị quyết này được thông qua, một số đại biểu cho rằng, cần mạnh dạn lựa chọn sản phẩm cốt lõi của Hà Nội, tập trung đầu tư cho các sản phẩm đó, có chiến lược tuyên truyền lâu dài, mở quầy sản phẩm của Hà Nội tại sân bay để du khách có thể tìm mua sản phẩm.
Ngoài ra, cần đầu tư chọn lọc cho khâu thiết kế sản phẩm làng nghề, đặc biệt là sản phẩm đồ lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của Hà Nội, thậm chí có thể thuê chuyên gia nước ngoài để thiết kế đẹp, độc đáo.
Về quảng bá sản phẩm, với xu thế số hóa, các đại biểu đề xuất đầu tư “App” riêng về sản phẩm làng nghề, ứng dụng này được thông tin ở các cơ sở lưu trú thành phố để khách du lịch dễ dàng nhận thấy.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, trong nghị quyết được thông qua, thành phố đã có các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề như: Hỗ trợ đánh giá tác động môi trường; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể...
Các làng nghề làm thủ tục đề nghị công nhận và làng nghề đã được công nhận “Làng nghề, Làng nghề truyền thống” thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường theo quy định được thành phố hỗ trợ 200 triệu đồng/làng nghề để thực hiện việc đánh giá tác động môi trường.
Về hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể như: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho làng nghề; đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề; các hoạt động truyền thông, marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề... được thành phố hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/1 nội dung. Một làng nghề được đăng ký tối đa 5 nội dung.
Hà Nội sẽ có phố mang tên anh hùng Núp
Cũng trong chiều nay, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài cho 31 tuyến đường, phố mới tại 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, tên phố Đinh Núp (tên thật của anh hùng Núp) đã được đặt cho đoạn ngã ba giao cắt phố Nguyễn Chánh (tại ô đất A5 đến A7) đến ngã tư giao cắt phố Tú Mỡ tại điểm đối diện tòa chung cư CT 4 Vimeco (quận Cầu Giấy). Phố có chiều dài 1km, rộng 20,5m với khoảng hơn 1.000 hộ dân, 3.500 nhân khẩu sinh sống ổn định.
Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội nêu, Đinh Núp (1914 - 1999) còn có tên là Sar, người dân tộc Ba Na, quê ở làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Ông tham gia cách mạng từ năm 1935, là người gây dựng phong trào chống Pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên. Ông đã vận động đồng bào dân tộc tham gia các tổ du kích, xây làng chiến đấu chống các cuộc càn quét của quân đội Pháp, tiêu hao nhiều lực lượng địch.
Hình tượng của ông được xem là biểu tượng của ý chí Việt Nam anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Tên ông đã được đặt cho một số tuyến đường và một số trường học ở Phú Yên, Đắk Lắk, Đà Nẵng.
Nghị quyết cũng quyết nghị việc điều chỉnh độ dài của 5 tuyến đường, phố gồm: Phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông), đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), phố Thi Sách (quận Hai Bà Trưng), phố Huỳnh Văn Nghệ (quận Long Biên) và phố Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm).