Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu và đánh giá về hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 |
Ngọn lửa đầu tư khởi nghiệp sáng tạo vẫn âm ỉ cháy…
Thông tin từ Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 cho thấy, số lượng quỹ và giá trị cam kết đầu tư vào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Cụ thể, từ 18 quỹ với 425 triệu USD vào năm 2019, tăng lên 33 quỹ với 815 triệu USD vào năm 2020 và 39 quỹ với 1,5 tỷ USD vào năm 2022.
Thời gian qua, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam có bước phát triển rất tích cực. Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế (theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu - GII năm 2023) và là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo cũng như số lượng nhà đầu tư, quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đạt 413 triệu USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo GII năm 2023 chỉ ra rằng, trong năm qua, tuy tốc độ và tổng giá trị giao dịch đầu tư mạo hiểm suy giảm đáng kể, nhưng số lượng giao dịch lại tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) từ cả khu vực chính phủ và khu vực tư nhân trên toàn cầu tiếp tục tăng lên theo giá trị thực và vẫn đạt mức cao trong lịch sử. Làn sóng đổi mới sáng tạo của thời đại chuyển đổi số và khoa học chuyên sâu đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển của các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế, năng lượng.
“Những điều này cho thấy, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo như một ‘ngọn lửa đang âm ỉ cháy’, chỉ cần môi trường và ‘chất xúc tác’ thuận lợi là có thể bùng lên mạnh mẽ. Việt Nam đang kiến tạo môi trường và những yếu tố thuận lợi cho đổi mới sáng tạo nói chung và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nói riêng”, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Còn ông Vinnie Lauria, đối tác sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures nhận xét, trong một năm đầy thách thức đối với hầu hết các nền kinh tế, Việt Nam đã chuyển hướng phát triển kinh tế sang tốc độ cao, khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á. Với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ, nuôi dưỡng khát khao thay đổi thế giới của Việt Nam.
Kỳ vọng nhân tố đột phá
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo bị suy giảm, ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư và start-up vẫn kỳ vọng vào một số nhân tố đột phá giúp hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vươn lên tầm cao mới.
Một trong những động lực và cũng là vấn đề được nhiều quỹ đầu tư và start-up quan tâm tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 là hành trình niêm yết của các doanh nghiệp Việt Nam lên sàn giao dịch quốc tế. Đặc biệt, sau sự kiện Society Pass và VinFast niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ, thông tin từ Diễn đàn cho biết, dự kiến trong 18 tháng tới, sẽ có các sự kiện niêm yết được kỳ vọng của VNG, Tiki và The CrownX.
Tiki hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thành lập năm 2010. Đến năm 2022, Tiki Global được thành lập tại Singapore để thuận lợi hơn cho quá trình IPO. Trước đó, vào giữa năm 2021, Công ty cổ phần Định giá và Tư vấn đầu tư quốc tế định giá Tiki ở mức 13.857 tỷ đồng.
The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất nằm trong chiến lược Point of Life của Masan Group. Tập đoàn này đặt mục tiêu IPO The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023 - 2024. The CrownX được kỳ vọng sẽ đạt giá trị 20 tỷ USD khi IPO trên sàn chứng khoán quốc tế.
Trong khi đó, kỳ lân đầu tiên của Việt Nam là VNG Limited đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) vào tháng 8/2023. VNG có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, với 33 công ty con và công ty liên kết. Hiện, VNG có vốn hóa 29.500 tỷ đồng (hơn 1,2 tỷ USD). Năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD và năm 2019 được Quỹ đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore định giá ở mức 2,2 tỷ USD.
Tham gia Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập, Tổng giám đốc VNG đã chia sẻ bài học để một start-up “sống sót” sau 19 năm khởi nghiệp và “nỗi sợ” trước những thách thức hiện hữu.
“Nhiều người ở đây hỏi tôi về IPO trên thị trường quốc tế. Tôi có thể nói một điều rằng, đó cũng là một điều khiến chúng tôi rất sợ. Vì mọi người biết đấy, nó kéo theo những rủi ro đáng kể, như nguy cơ thất bại, rủi ro không thể đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Tuy nhiên, đó là điều mà chúng tôi tin tưởng, nếu chúng tôi không làm, thì chúng tôi không thể đưa Công ty phát triển một cách thực sự”, ông Minh chia sẻ.
Cũng tại Diễn đàn, ông Delano Musafer, Giám đốc Thị trường vốn APAC (Sở Giao dịch chứng khoán New York) nhận xét, Việt Nam đã nổi lên nhanh chóng không chỉ ở châu Á, mà còn trên thị trường toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến các công ty chất lượng có chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ, thành tích tăng trưởng cao. Đó là tín hiệu tích cực với Việt Nam khi đã có một chiến lược rõ ràng về thị trường trong và ngoài nước.
Theo đó, 5 lĩnh vực chính được dự đoán sẽ chi phối tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai bao gồm: công nghệ y tế, công nghệ tài chính, công nghệ hỗ trợ hậu cần, nền kinh tế xanh và công nghệ giáo dục.