Thiếu nhân lực trầm trọng
Những năm qua, y tế dự phòng đã có nhiều kết quả đáng mừng. Việt Nam đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, như dịch SARS năm 2003, dịch Cúm A/H5N1, H1N1 năm 2009.
Một đồng đầu tư cho dự phòng sẽ tiết kiệm được 100 đồng cho chi phí điều trị. |
Và đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 các cán bộ y tế dự phòng đã cùng các y, bác sĩ điều trị chiến đấu không mệt mỏi đẩy lùi dịch bệnh mang lại cuộc sống bình yên cho người dân cả nước.
Ngoài ra, ngành Y tế dự phòng cũng đã thanh toán bệnh đậu mùa, bại liệt; giảm mắc hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin; duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt >90%... Tuy vậy, khó khăn lớn nhất đang cản bước công tác này đó chính là nguồn nhân lực thiếu trầm trọng.
Theo Bộ Y tế, tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện đáp ứng khoảng 42% nhu cầu nhân lực cần có.
Tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tuy tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định tại Nghị quyết 18 của Quốc hội và Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, nên không thể đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng nói chung, nhất là Chương trình trình tiêm chủng mở rộng.
Vì vậy, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin giảm liên tiếp từ 94,8 % năm 2018 xuống còn 80,4 % năm 2022.
PGS-TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y Tế đã từng phát biểu rằng, công tác đào tạo, sử dụng nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ y học dự phòng vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Cụ thể như chưa xác định rõ vai trò, vị trí việc làm; chế độ chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ còn thấp so với lĩnh vực khám, chữa bệnh; điều kiện làm việc còn khó khăn. Vì vậy làm cho số sinh viên học bác sĩ y học dự phòng và chọn làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng có xu hướng giảm.
Phó Viện trưởng Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế Khương Anh Tuấn thông tin, nhân lực y tế dự phòng nước ta hiện có khoảng 2.204 người làm việc tại tuyến trung ương; 8.637 người làm việc tại tuyến tỉnh, thành phố; 81.824 người làm việc tại tuyến huyện và 57.249 người làm việc tại tuyến xã.
So với nhu cầu thì số nhân lực y tế dự phòng hiện nay đang thiếu khoảng 23.800 người, trong đó thiếu khoảng 8.075 bác sĩ y học dự phòng và 3.993 cử nhân y tế công cộng.
Các bất cập trong sử dụng nguồn nhân lực bác sĩ y học dự phòng mà các đơn vị đang gặp phải như bác sĩ y học dự phòng được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh thông thường nhưng chưa có danh mục kỹ thuật và hoạt động chuyên môn cụ thể thuộc các bệnh thông thường; được khám, chữa bệnh thông thường nhưng định biên trạm y tế lại không có bác sĩ y học dự phòng.
Bên cạnh đó, do hiện chưa có quy định cụ thể về các vị trí chức danh nghề nghiệp đã được mô tả cho bác sĩ y học dự phòng dẫn đến các bác sĩ này chưa được thực hiện đúng vai trò và năng lực chuyên môn tại các cơ sở y tế.
Đầu tư xứng đáng cho y tế dự phòng
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, trong bối cảnh tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm gia tăng, tình trạng già hóa dân số, Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực y tế dự phòng phù hợp với nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. Điều này đòi hỏi đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế.
Còn theo GS.Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Theo GS.Hiếu, tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề, bởi lương không thể tăng mãi. Cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân; máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng cũng sẽ là lãng phí rất lớn.
Do đó, để y tế dự phòng thực hiện đúng chức năng, cần thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của Trung tâm y tế huyện. Giao thêm quyền và trách nhiệm cho Trưởng trạm y tế, động viên họ để phát triển thế mạnh của mình.
Khi đã vận hành trơn tru, có thể tiến lên bước nữa là phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện. Cùng với đó, số hóa ngành Y tế bao gồm quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa sẽ là chìa khóa thành công cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đồng thời đổi mới phương thức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở theo hướng dựa trên kết quả đầu ra.
Ý kiến của bà Phạm Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế nêu rõ, cần kết hợp linh hoạt các công cụ tài chính y tế (giá dịch vụ, danh mục dịch vụ y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, phương thức chi trả…) nhằm tạo động lực khuyến khích việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính cho y tế cơ sở.
Cụ thể, tăng cường nguồn lực cho y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm. Hoàn thiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng tính đúng, tính đủ, xác định rõ chính sách phúc lợi, chính sách an sinh trong giá dịch vụ y tế.
Để công tác y tế dự phòng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu, tiến tới một nền y tế Việt Nam công bằng và hiệu quả một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn về thu ngân sách cho y tế dự phòng nói chung và chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng.
Còn nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đề xuất, cần tập trung chính sách, ngân sách của Nhà nước cho y tế dự phòng và y tế cơ sở. Tăng định mức phân bổ kinh phí và tăng tỷ trọng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nguồn ngân sách nhà nước cho y tế tuyến huyện, xã và đầu tư cho y tế dự phòng.
Đồng thời, có các chính sách mạnh mẽ và đồng bộ, đãi ngộ cho cán bộ y tế khuyến khích nhân lực có trình độ chuyên môn làm việc và gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở.
“Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần phải được coi trọng để người dân hiểu được tầm quan trọng của y tế dự phòng và tự bản thân mình phải biết được các nguy cơ dẫn đến bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là bệnh không lây nhiễm”, ông Phu nói.