Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 1. Ảnh: Đức Thanh |
Không dễ Chọn nhà đầu tư qua đấu thầu
Dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn mới đây đã quyết định hủy thông báo mời thầu và dừng việc lựa chọn nhà đầu tư. Lý do được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giải thích là thực hiện quy định tại Điều 73, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Trước đó, Dự án đã tiến hành mời thầu quốc tế hạn chế hồi tháng 7/2024 và công bố thời gian đóng thầu là 14h ngày 30/9/2024, thời gian mở thầu là 15h ngày 30/9/2024. Tại thời điểm ngày 1/8/2024 - là mốc thời gian quy định tại Nghị định 115/2024/NĐ-CP - vẫn chưa có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, nên phải theo hướng dẫn của Điều 73 và dừng lựa chọn nhà đầu tư.
Các chuyên gia theo dõi ngành điện cho rằng, các dự án điện khí LNG chưa chọn được nhà đầu tư như Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn cũng phải đối mặt với các thách thức trong quá trình chọn thầu khi phải theo các quy định được đặt ra trong Nghị định 115/2024/NĐ-CP. Theo đó, trong hồ sơ mời thầu được lập theo quy định của pháp luật có nhắc tới dự thảo hợp đồng mua bán điện (PPA) được thống nhất với bên mua điện - ở đây là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Một nhà đầu tư đang hoạt động theo hình thức BOT tại Việt Nam đặt câu hỏi, ai sẽ là người đàm phán để ra được dự thảo PPA trong hồ sơ mời thầu? Nếu PPA chung chung, thì sau này đi vào đàm phán cụ thể, nhà đầu tư vẫn mất rất nhiều thời gian. Còn nếu là PPA có các điều khoản cụ thể cho chính dự án đó, lại phải là nhà đầu tư làm mới sát.
Theo vị trên, bỏ qua những nhà đầu tư có mục tiêu khác và đưa ra một bộ hồ sơ dự thầu hợp lệ mà khả năng hiện thực hóa chưa biết ra sao, với các nhà đầu tư muốn làm thực sự, việc tính toán để đáp ứng được điều kiện của bên mời thầu là dự thảo PPA được thống nhất với EVN đòi hỏi thời gian và tiền bạc không ít.
“Nhà đầu tư phải làm tới báo báo nghiên cứu khả thi thì mới ra được những thông số cụ thể để đàm phán PPA, nhằm xác định được dòng tiền của dự án lãi lỗ ra sao. Như vậy, số tiền bỏ ra ít cũng phải cỡ 1,5 triệu USD, còn nhiều thì lên tới vài triệu USD. Với người thắng, số tiền này được tính vào chi phí phát triển dự án, nhưng nếu trượt thì đây là số tiền không nhỏ. Chưa kể vài công ty cùng dự thầu mà làm vậy thì sẽ là lãng phí”, vị này nhận xét.
Theo dõi câu chuyện hủy thầu tại Dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn, các chuyên gia cho rằng, để có thể làm ra FS, nhà thầu phải có chủ trương mới đưa được người, thiết bị đến khảo sát, nếu không thì khó. “Vậy tỉnh có đồng ý chủ trương nhiều nhà đầu tư vào khảo sát dự án trên cùng một mảnh đất không, vì điều này là không dễ”, một nhà thầu đặt câu hỏi.
Quy định chưa đồng nhất
Cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện cần phải giải quyết nhanh các thách thức, ông Nguyễn Duy Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) nhận xét, các tỉnh có dự án điện được quy hoạch đang tích cực triển khai để chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, kể từ khi Quy hoạch Điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII được ban hành đến nay, chưa tỉnh nào chọn xong do thiếu hướng dẫn và quy định cụ thể.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) - đang được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ tám - quy định cụ thể hơn về lựa chọn nhà đầu tư cho các dự điện lực (Điều 26 đến Điều 28) trên nguyên tắc là mức trần giá điện nằm trong khung giá do Bộ Công thương ban hành tại năm đấu thầu và nguyên tắc xác định giá điện chiếm trọng số điểm lớn (điểm đ, khoản 1, Điều 26).
Tuy nhiên, thời điểm này, nhà đầu tư chưa lập FS, chưa biết cam kết sản lượng điện hàng năm (Qc) như thế nào, nên sẽ chưa đủ cơ sở để cam kết giá. “Theo kinh nghiệm đàm phán hợp đồng mua bán điện của PV Power, dù dự thảo hợp đồng và nguyên tắc tính giá điện đã được pháp luật quy định cụ thể (tại Thông tư 07/2024/TT-BCT), thời gian đàm phán hợp đồng mua bán điện sẽ không dưới 2 năm, thậm chí là 5 năm vẫn không thống nhất được giá chính thức”, ông Giang chia sẻ.
Việc xác định các khung thời gian quá ngắn so với thực tế sẽ khiến việc thực hiện khó khả thi, nhà đầu tư không thể cam kết về tiến độ và quan ngại tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện khi thấy rủi ro về thu hồi dự án do không thực hiện được tiến độ (Điều 17 của Dự thảo).
Ở khía cạnh khác, có thể thấy, giữa Nghị định 115/2024/NĐ-CP và Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có những điểm vênh trong các quy định liên quan đến chọn nhà đầu tư, mà nếu không thống nhất thì sẽ tạo ra những thách thức trong quá trình triển khai điện.
Hàng loạt dự án điện khí LNG tại các địa phương khác như Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Bình Thuận… đã lựa chọn được nhà đầu tư phát triển, nhưng tới nay chưa dám tiến hành khởi công bởi chưa đàm phán xong được PPA.
Trong phiên thảo luận ở nghị trường ngày 7/11 của Quốc hội về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên có nhắc tới việc “đã công bố Quy hoạch Điện VIII từ gần 1,5 năm nay, nhưng đến giờ không có một nhà đầu tư mới nào đề xuất dự án”. Nguyên nhân được cho là không có những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách.
Trong khi đó, yêu cầu đang đặt ra là hệ thống điện Việt Nam có quy mô 80.000 MW sẽ phải tăng lên 150.524 MW vào năm 2030. “Nếu không kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi, thì chắc chắn không có nhà đầu tư vào và như vậy thì chúng ta không thể nào đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho đất nước”, Bộ trưởng Diên nói.