Việc sửa Luật Điện lực lần này cũng được Bộ Công thương thay mặt Chính phủ lý giải là nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004. Đó là thiếu các quy định rõ ràng, cụ thể để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định đầy đủ về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Đó là chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Đó là chưa có chính sách với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng…
Đáng chú ý, trong Dự thảo lần này, Chính phủ cũng đề xuất Nhà nước độc quyền và Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân - nguồn điện mà Quốc hội đã có nghị quyết dừng triển khai cách đây tròn 8 năm.
Theo mong muốn của Chính phủ, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được thông qua sớm nhất, thậm chí ngay tại một kỳ họp Quốc hội để nhanh chóng triển khai trong thực tiễn, đảm bảo an ninh năng lượng giai đoạn sắp tới.
Hai ngày trước khi diễn ra Kỳ họp thứ tám, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Petrovietnam và EVN để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng chủ trì hội nghị với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo liên quan đến Kết luận số 1027/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Thực tế mất điện ở miền Bắc vào giữa năm 2023, hay sự cố mất điện do ảnh hưởng của bão Yagi ngay cả khi bão tan càng làm nổi bật vai trò của điện trong các hoạt động kinh tế, dân sinh hàng ngày.
Với tính toán tăng trưởng GDP khoảng 6-7%/năm, tăng trưởng về điện tại Việt Nam đòi hỏi phải thêm 10%/năm. Nếu tính theo công suất cực đại đã huy động thực tế trong năm 2024 (xấp xỉ 50.000 MW), thì năm 2025 cần bổ sung khoảng 5.000 MW nguồn điện mới cho hệ thống.
Nhiều người cho rằng, với công suất đặt của hệ thống khoảng 81.000 MW hiện nay, việc đáp ứng 55.000 MW là trong tầm tay và với ngành điện, câu chuyện có nhà máy, nhưng không phát được điện là rất bình thường. Đó là bởi trong số 81.000 MW nguồn điện trên, thì điện mặt trời tập trung và điện gió hiện là 21.664 MW (chưa kể 5.688 MW thủy điện nhỏ, cùng 17.800 MW thủy điện lớn đa mục tiêu không phải lúc nào cũng sẵn nước để sản xuất).
Như vậy, vào cao điểm mùa khô hàng năm (tháng 4 - tháng 6) là lúc nước về thủy điện ít, cũng là mùa gió lặng, thời lượng nắng trong ngày không cao và nếu chẳng may, nhà máy điện than cũng mệt mỏi vì phải vắt sức liên tục trong nhiều tháng, thì chuyện không dư dả nguồn dự phòng để ứng phó với nhu cầu điện đột ngột cao là hiển nhiên.
Ở góc độ khác, mục tiêu đạt 150.000 MW vào năm 2030 như Quy hoạch Điện VIII đề ra, tức chỉ có 7 năm để đạt được công suất như 70 năm qua, đòi hỏi phải có những cách đi mới, cơ chế mới mang tính đột phá, nhằm thu hút trên 134 tỷ USD thực hiện thành công các mục tiêu tại Quy hoạch Điện VIII.
Nhìn vào thực tế đầu tư cả loạt dự án thủy điện lớn từ Bắc vào Nam, cùng các công trình trọng điểm quốc gia như Sơn La, Lai Châu, các trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải…, có thể thấy rõ, ngoài Luật Điện lực, hàng loạt chính sách, cơ chế cụ thể, thậm chí là đặc thù, đã được Chính phủ ban hành. Nhờ vậy, hệ thống điện từ chỗ chưa đến 10.000 MW công suất tại thời điểm ban hành Luật Điện lực năm 2004, hiện đạt quy mô 81.000 MW.
Dẫu vậy, ngành điện đang chứng kiến khoảng lặng sau làn sóng bùng nổ đầu tư vào năng lượng tái tạo. Rất nhiều dự án năng lượng tái tạo đang đối mặt với vấn đề hoàn thiện thủ tục pháp lý trong triển khai, khiến Chính phủ mất rất nhiều công sức để gỡ rối và chưa có lời giải cuối cùng.
Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) của Quốc hội chỉ ra, trong số 130 điều thì có tới 35 nội dung được đề nghị giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và 18 nội dung giao Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương hướng dẫn. Như vậy, ngay cả khi Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp này, vẫn cần thêm không ít thời gian để các cơ quan đưa ra hướng dẫn cụ thể, giúp các dự án điện được triển khai thông suốt như mong đợi.