Thời sự
Đầu tư gần 5.000 tỷ cho Dự án hầm đèo Cù Mông
Sơn Thắng - 30/08/2014 10:41
() Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Tấn Viên hôm 29/8 chủ trì cuộc họp rà soát, điều chỉnh tổng mức đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cả và đề xuất phương án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cù Mông.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Mục sở thị đại công trường hầm Đèo Cả
VietinBank giải ngân 1.800 tỷ cho Dự án Hầm Đèo Cả
Dự án Hầm Đèo Cả sẽ hoàn thành cuối năm 2016
Đèo Cả nghiên cứu đầu tư tiếp hầm qua đèo Cù Mông
Dự án Đèo Cả trảm nhà thầu thất hứa

 

Tại cuộc họp, Đại diện Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả (DCIC), Chủ đầu đầu dự án hầm đường bộ đèo Cả đã báo cáo chi tiết việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án hầm đèo Cả theo phương án tiết giảm vốn đầu tư so với phê duyệt ban đầu.

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc DCIC cho biết, theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT năm 2012, tổng mức đầu tư của dự án lên đến 15.603 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, trong quá trình triển khai, tính toán lại khối lượng, rà soát lại các hạng mục đầu tư, cập nhật, điều chỉnh lại đơn giá vật liệu, nhân công, ca máy, đồng thời điều chỉnh lại thiết kế kỹ thuật nên tổng mức đầu tư đã giảm đáng kể.

   
  CTCP Đèo Cả đang đẩy nhanh tiến độ Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả  

Theo đó, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh hiện nay còn 11.978 tỷ đồng, giảm 3.626 tỷ đồng so với mức phê duyệt ban đầu.

Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn, việc rà soát thiết kế kỹ thuật, tiết giảm tổng mức đầu tư trên không ảnh hưởng đến quy mô, chất lượng của công trình.

Đại diện các đơn vị tư vấn khẳng định đã tính toán rất kỹ lưỡng tất cả các yếu tố bất lợi nhất, kể cả dự phòng nên con số tiết giảm 3.626 tỷ đồng là hoàn toàn khả thi.

Thứ trưởng Trương Tấn Viên cho rằng, việc tiết giảm được số vốn đầu tư lớn, không ảnh hưởng đến quy mô, khai thác công trình là rất có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư ngày càng hạn hẹp. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhắc nhở Chủ đầu tư cũng như tổ hợp các nhà thầu phải tăng cường năng lực thi công, vừa đảm bảo tiến độ đề ra vừa đảm bảo chất lượng cho công trình.

Cũng tại cuộc họp, DCIC đã đề xuất sử dụng chi phí tiết giảm được từ hầm đèo Cả để đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông.

Qua khảo sát, dự án xây dựng hầm Cù Mông có chiều dài gần 6,5km, trong đó chiều dài hầm gần 2,5km, đường dẫn hơn 4km. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 4.967 tỷ đồng và sẽ triển khai theo phương án phân kỳ từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 2 làn xe, xây dựng một ống hầm và đoạn đường dẫn với quy mô 2 làn xe với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.400 tỷ đồng.

Giai đoạn 2, trên cơ sở khả năng cân đối vốn cho dự án sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô 4 làn xe, xây dựng 1 ống hầm song song với giai đoạn 1 và hoàn thiện đường dẫn với quy mô 4 làn xe.

Về phương án thu hồi vốn hầm Cù Mông, DCIC đề xuất theo phương án tài chính của Dự án hầm đèo Cả, không lập thêm trạm thu phí mới.

“Vốn đầu tư cho dự án sẽ được cân đối từ nguồn vốn trong tổng mức đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cả, đảm bảo việc đầu tư dự án không làm tăng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt” Đại diện DCIC cho biết.

Liên quan đến dự án hầm đèo Cù Mông, Thứ trưởng Viên cũng đồng ý để nhà đầu tư triển khai lập dự án đầu tư .

“Nhà đầu tư triển khai lập Dự án đầu tư luôn. Việc lập dự án cần phù hợp với tổng thể quy hoạch, đồng thời đưa ra nhiều phương án để tạo hiệu quả đầu tư cao nhất”, Thứ trưởng Viên nói.

Gần đây, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cũng khẳng định rằng, nếu dự án hầm qua đèo Cù Mông đảm bảo tính khả thi cao cũng như hiệu quả thu hồi vốn thì VietinBank sẵn sàng tài trợ cho dự án này. Được biết, Vietinbank đã cam kết tài trợ cho dự án hầm đèo cả với tổng hạn mức tín dụng là 10.251 tỷ đồng.

Đến nay, DCIC đã giải ngân 1.817,13 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho công tác GPMB và tái định cư là 236,33tỷ đồng,  giải ngân cho công tác tư vấn và xây lắp 1.580,80 tỷ đồng.

Dự kiến trong tháng 9, DCIC sẽ chính thức thông hầm Cổ Mã, một trong hạng mục của tổng thể dự án hầm đèo Cả, phấn đấu đưa hoàn thành toàn dự án vào cuối năm 2016.

Tin liên quan
Tin khác