Sức khỏe doanh nghiệp
Đầu tư Hải Phát dừng kế hoạch chào bán 159,69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu
Duy Bắc - 21/09/2024 07:50
Cổ phiếu liên tục giảm và giao dịch dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX - sàn HoSE) đã quyết định tạm dừng kế hoạch chào bán cổ phiếu.

Cổ phiếu đang giao dịch thấp hơn 48,5% so với giá chào bán thêm

Ngày 20/9, Đầu tư Hải Phát thông qua việc tạm dừng triển khai tăng vốn điều lệ bằng hình thức chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo phương án đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vào ngày 26/4/2024.

Lý do được doanh nghiệp đưa ra nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông do tình hình thị trường không thuận lợi và đảm bảo tính khả thi của đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.

Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm, Đầu tư Hải Phát đã thông qua hai kế hoạch huy động vốn.

Trong đó, đầu tiên, Đầu tư Hải Phát thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1, tương ứng chào bán thêm 159,69 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.596,9 tỷ đồng và triển khai trong năm 2024.

Số tiền huy động từ cổ đông hiện hữu, Đầu tư Hải Phát dự kiến dùng 1.410,5 tỷ đồng để thanh toán gốc và lãi các khoản nợ trái phiếu (mã trái phiếu HPX122018, HPXH2123008, HPXH2124009 và trái phiếu HPXH2125007); và còn lại 110,3 tỷ đồng thanh toán gốc và lãi của khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt – Chi nhánh Hà Nội.

Và thứ hai, Đầu tư Hải Phát thông qua kế hoạch chào bán 140,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.403,1 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (dưới 100 nhà đầu tư). Trong đó, cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Như vậy, Đầu tư Hải Phát sẽ tạm dừng kế hoạch chào bán thêm 159,69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Thực tế, thống kê từ ngày 26/3 đến ngày 20/9, cổ phiếu HPX đã giảm 37,95%, từ 8.300 đồng về 5.150 đồng/cổ phiếu và thấp hơn 48,5% so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Có thể thấy, với việc cổ phiếu chỉ giao dịch vùng 5.150 đồng/cổ phiếu trong khi giá chào bán cho cổ đông hiện hữu lên tới 10.000 đồng/cổ phiếu, vì vậy Đầu tư Hải Phát cũng đang gặp khó khăn để huy động vốn từ cổ đông hiện hữu.

Lợi nhuận đi lùi trong nửa đầu năm 2024 và chỉ sở hữu 19,8 tỷ đồng tiền mặt

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2024, Đầu tư Hải Phát ghi nhận doanh thu đạt 331,42 tỷ đồng, giảm 55,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 31,41 tỷ đồng, giảm 62,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 22,2%, lên 28,7%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 42,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 70,42 tỷ đồng, về 94,98 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 579,4%, tương ứng tăng thêm 10,95 tỷ đồng, lên 12,84 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 22,8%, tương ứng giảm 8,3 tỷ đồng, về 28,08 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 29%, tương ứng tăng thêm 9,34 tỷ đồng, lên 41,56 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, mặc dù trong quý II/2024 chi phí tài chính giảm và doanh thu tài chính tăng nhưng Đầu tư Hải Phát vẫn ghi nhận lợi nhuận lao dốc, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu suy giảm mạnh, đồng thời chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Lý giải lợi nhuận lao dốc trong quý II, ông Nguyễn Văn Phương, Tổng giám đốc Đầu tư Hải Phát cho biết do số lượng sản phẩm bàn giao cho khách hàng để hạch toán doanh thu quý II ít hơn so với cùng kỳ, đồng thời một số chi phí cố định không thay đổi dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm.

Luỹ kế trong nửa đầu năm 2024, Đầu tư Hải Phát ghi nhận doanh thu đạt 655,18 tỷ đồng, giảm 26,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 47,18 tỷ đồng, giảm 17,5% so với nửa đầu năm 2024.

Trong năm 2024, Đầu tư Hải Phát đặt kế hoạch doanh thu 2.800 tỷ đồng, tăng 66,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, giảm 22,2% so với thực hiện trong năm 2023 và cổ tức dự kiến với tỷ lệ 5%.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lợi nhuận sau thuế đạt 47,18 tỷ đồng, Đầu tư Hải Phát đã hoàn thành 44,9% so với kế hoạch lãi 105 tỷ đồng trong năm 2024.

Ngoài ra, xét về dòng tiền, bên cạnh lợi nhuận đi lùi, trong nửa đầu năm 2024, dòng tiền kinh doanh chính của Đầu tư Hải Phát còn ghi nhận dương 599,4 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 425,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 429,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận âm 181,1 tỷ đồng, chủ yếu trả bớt nợ vay.

Về quy mô tài sản, tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Đầu tư Hải Phát tăng 2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 163,6 tỷ đồng, lên 8.460,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.635,9 tỷ đồng, chiếm 43% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 2.756,3 tỷ đồng, chiếm 32,58% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 833,6 tỷ đồng, chiếm 9,9% tổng tài sản…

Ngoài ra, cũng tại thời điểm cuối quý II/2024, Đầu tư Hải Phát chỉ còn sở hữu 19,8 tỷ đồng tiền mặt (đầu năm là 31,16 tỷ đồng) nhưng tổng nợ vay lên tới 2.294,8 tỷ đồng, bằng 63,3% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn (dưới 1 năm) là 1.646,7 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 648,1 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác