Xuất bản công nghệ mới tăng trưởng mạnh
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 mới đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2023, ấn phẩm truyền thống như xuất bản phẩm dạng sách in giảm đáng kể, chỉ đạt 31.208 cuốn (giảm 4,4%), với gần 461 triệu bản (giảm 14,6%). Trong khi đó, xuất bản ứng dụng công nghệ mới như xuất bản phẩm dạng điện tử tăng mạnh, đạt 4.000 xuất bản phẩm (tăng 19,4%), với khoảng 36 triệu bản (tăng 11%)
Năm 2023, có 24/57 nhà xuất bản đã tham gia xuất bản và phát hành điện tử (tăng 26,3%), chiếm 42,1% tổng số nhà xuất bản, góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3% và vượt chỉ tiêu đề ra 12%. Trong năm 2024, con số này dự kiến tăng lên 27-28 đơn vị.
Bên cạnh đó, doanh thu sách nói cũng có sự tăng trưởng cao. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, trong năm 2022 và 2023, tổng doanh thu từ sách nói đạt khoảng 116,1 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
“Với số lượng đơn vị phát hành điện tử ngày càng nhiều và sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển, bước đầu bắt nhịp được sự phát triển của thị trường sách điện tử các nước trong khu vực và trên thế giới, cung cấp được nhiều xuất bản phẩm điện tử, đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn đọc”, Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành nhận xét.
Vài năm gần đây, các nhà xuất bản đã tích cực ứng dụng công nghệ số. Đây là bước phát triển tất yếu của ngành xuất bản bởi thói quen đọc sách của độc giả đã một phần thay đổi gắn với những thiết bị thông minh, những máy đọc sách ngày một tiện dụng. Bên cạnh đó, quy trình sáng tạo tác phẩm, biên tập đến in ấn và phát hành đến tay bạn đọc những cuốn sách giấy truyền thống cũng đang có một sự dịch chuyển quan trọng.
Theo ông Nguyên, ngành xuất bản đã ứng dụng công nghệ số để triển khai một số nội dung chính gồm số hóa dữ liệu, tạo dữ liệu lớn (big data), chuyển đổi số quy trình làm việc để làm ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của xã hội. Các đơn vị cũng phát triển nền tảng xuất bản và phát hành điện tử dùng chung nhằm giải bài toán chi phí đầu tư và chi phí khấu hao.
“Trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng rộng rãi trong công tác biên tập nội dung sách và chuyển sách từ nội dung chữ sang sách nói (audio book) với các giọng đọc khác nhau, phù hợp với mọi đối tượng ở các vùng miền (text to speech), góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm của ngành xuất bản”, ông Nguyên cho biết.
Đổi mới sáng tạo trong xuất bản
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản. Cần đổi mới sáng tạo về cách làm sách, phân phối sách, mô hình kinh doanh, hợp tác mới. Cần tiếp tục xây dựng nền tảng số cho các nhà xuất bản, cung cấp các công cụ tự động, thông minh cho người làm sách từ khâu sáng tác, biên tập, giới thiệu truyền thông, phân phối đa nền tảng, thu thập phản hồi của độc giả, phân tích dữ liệu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nền tảng số mở sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để làm sách. Vì thế, xuất bản cần mở rộng hợp tác, nhất là với các công ty công nghệ…; xây dựng hạ tầng số cho ngành xuất bản, trọng tâm là nền tảng xuất bản số, nền tảng AI để phục vụ các nhà xuất bản. “Đã đến lúc ngành xuất bản phải đổi mới mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, mở ra một trang mới của ngành, đó là xuất bản số, là sự kết hợp xuất bản truyền thống và xuất bản số”, ông Hùng nhấn mạnh.
Còn theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Nhà sáng lập Thái Hà Books, Việt Nam đã có nền tảng quan trọng để bước vào giai đoạn xuất bản 4.0. Cùng với sự chuyển dịch mô hình xuất bản hiện có, một quy trình xuất bản hoàn toàn mới - xuất bản trực tiếp của các cá nhân đã xuất hiện.
Cụ thể, với định dạng điện tử, thông qua các công ty nắm giữ hạ tầng big data, tác giả đưa “đứa con tinh thần” của mình đến thẳng người đọc, mà không qua thao tác biên tập, giới thiệu, quảng bá của nhà xuất bản. Điều này giúp giảm chi phí nếu tác giả và tác phẩm đã định hình được đối tượng bạn đọc cho riêng mình.
Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, các nhà xuất bản lớn trên thế giới đều đẩy mạnh xuất bản điện tử, đặc biệt là xuất bản và phát hành trực tuyến trên mạng Internet. “Đi đầu là các tập đoàn công nghệ với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Google, Meta... kết hợp với các nhà sản xuất như Apple, Samsung, Nokia, Sony... tích hợp sẵn sản phẩm sách điện tử trên điện thoại di động hoặc cho phép tải sách điện tử qua App Store, Google Play...”, ông Hùng cho biết và đề xuất Việt Nam xây dựng những nhà xuất bản lớn có tầm cỡ, có năng lực, tài chính và công nghệ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Quang Hoàng, CEO Waka cho rằng, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp là tạo ra được mô hình kiếm tiền từ công nghệ mới, cũng như hài hòa được giá trị cho xã hội với chi phí hợp lý để duy trì. Ông Hoàng đề xuất giải pháp các đơn vị phối hợp chia sẻ dữ liệu, dùng chung nền tảng để tiết kiệm chi phí.
Có thể thấy, dù thời gian qua, các nhà xuất bản đã đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử, nhưng vẫn còn nhiều nhà xuất bản chưa có sự đầu tư kịp thời. Đã có 4 nền tảng xuất bản điện tử dùng chung và đang triển khai nền tảng thứ 5, nhưng việc ứng dụng công nghệ tích hợp, đưa AI vào hỗ trợ quy trình xuất bản được triển khai chậm, kết quả chưa rõ nét.
Mặt khác, mảng sách điện tử mới phát triển mạnh ở thị trường sách nói và một số nhà xuất bản khối đại học, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa thực sự có bước tiến mạnh về doanh thu. Sự hợp tác, liên kết giữa các nhà xuất bản, giữa nhà xuất bản với doanh nghiệp công nghệ vẫn còn mong manh… Đó là những vấn đề còn hạn chế mà các nhà xuất bản cần nhìn nhận để có chiến lược đầu tư phù hợp trong thời gian tới.