Tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km, được đưa vào khai thác từ tháng 2/2015, hiện đã có dấu hiệu mãn tải. |
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM vừa ký công văn trả lời Bộ GTVT liên quan đến điều chỉnh quy hoạch và phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Tp. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đó, lãnh đạo UBND Tp.HCM cho rằng việc nghiên cứu đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, kết nối vùng Tp.HCM, đồng bộ với kế hoạch đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Về quy mô mặt cắt ngang mở rộng tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, UBND Tp.HCM lưu ý các thông số mặt cắt ngang cần được nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình giao thông khu vực; căn cứ nhu cầu giao thông; xem xét việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm; các yếu tố kỹ thuật, hành lang an toàn tuyến đường cao tốc;… đảm bảo phù hợp với lộ giới quy hoạch đã được phê duyệt.
Lãnh đạo UBND Tp.HCM đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung nút giao thông kết nối cao tốc với đường Long Phước, quận 9 để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội Quận 9 và Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Tp.HCM; đồng thời phát huy hiệu quả Dự án mở rộng đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Vào tháng 4/2020, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai về việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây từ 10 đến 12 làn xe, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ GTVT làm việc với UBND Tp.HCM về các quy hoạch liên quan, trên cơ sở đó chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, bảo đảm tầm nhìn phát triển dài hạn, đáp ứng yêu cầu giao thông khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác và sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư mở rộng tuyến đường này.Được biết, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (CIMP Cửu Long) cũng vừa trình Bộ GTVT phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Theo đó, CIMP Cửu Long đề xuất mở rộng đoạn cao tốc từ Km0 thuộc địa phận phường An Phú, quận 2 , Tp.HCM tới Km24+558 thuộc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai từ quy mô đường 4 làn xe hiện hữu lên 8 làn xe, bề rộng nền đường từ 36 m đến 42 m. Tổng mức đầu tư Dự án ước khoảng 9.853 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB khoảng 900 tỷ đồng, chi phí xây dựng 7.005 tỷ đồng.. được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước. Sau khi hoàn thành, Dự án có thể tiến hành nhượng quyền thu phí để hoàn vốn đầu tư.
Tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, dài 55 km, được đưa vào khai thác từ tháng 2/2015, hiện đã có dấu hiệu mãn tải. Nguy cơ ùn tắc giao thông trên tuyến đường này sẽ còn trầm trọng hơn sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác vào năm 2025.