Với chủ đề được xác định là “Đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư vào tiểu vùng Mê Kông trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC”, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia (VILACAED) và Cục Đầu tư nước ngoài, đơn vị chủ trì tổ chức Diễn đàn Mê Kông thường niên năm 2015, đang kỳ vọng hiện thực hóa nhanh chóng các nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam trước thềm AEC.
Cho tới thời điểm này, trong danh sách 65 quốc gia, vùng lãnh thổ Việt Nam đã đầu tư, đứng đầu vẫn là Lào và Campuchia. Hai quốc gia trong ASEAN là Malaysia và Myanmar cũng có tên trong danh sách 10 nước đứng đầu. “Các quy định thông thoáng mới về thủ tục đầu tư ra nước ngoài chắc chắn sẽ tạo thêm chất xúc tác, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng chớp được các cơ hội kinh doanh tại thị trường ASEAN”, ông Bùi Tường Lân, Phó chủ tịch thường trực VILACAED trao đổi trước thềm Diễn đàn và cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Diễn đàn lần này có thêm nhiều gương mặt mới.
ASEAN tiếp tục là địa bàn đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Không phải bỗng nhiên mà những quy định mới của Nghị định 83 sẽ là một trong những nội dung được trao đổi với các nhà đầu tư Việt Nam tham gia Diễn đàn. Trước đó, trong các báo cáo về hoạt động cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng thời gian xem xét hồ sơ bị kéo dài hơn quy định đã được nhắc tới. Lý do là một số quy định về điều kiện và giấy tờ về hồ sơ dự án chưa được quy định cụ thể, nên việc lập hồ sơ và hoàn thiện hồ sơ, trong một số trường hợp, còn lúng túng.
“Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 83 đã quy định rõ các nội dung này, đảm bảo thời gian hoàn tất thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài với các dự án có mức vốn dưới 800 tỷ đồng là 15 ngày. Chỉ những dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên, hoặc các dự án khác có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên mới cần chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. So với quy định các dự án có quy mô trên 15 tỷ đồng phải thực hiện thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài như trước đây, thủ tục thông thoáng hơn”, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phân tích.
Đặc biệt, ngay cả khi nhà đầu tư đề nghị hình thức đầu tư ra nước ngoài mới, chưa có quy định, thì Nghị định 83 cũng quy định rõ là Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quy định trên không chỉ tạo sự linh hoạt trong việc áp dụng các hình thức đầu tư mới, có lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư Việt Nam trong bối cảnh cơ hội đầu tư mới chắc chắn sẽ đa dạng và rộng rãi hơn, khi AEC mở cửa cùng với hàng loạt cam kết mới, quan trọng hơn, thúc đẩy sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực mà Việt Nam muốn thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, mở rộng thị trường.
Thêm một điểm thuận lợi khác trong thủ tục đầu tư ra nước ngoài, đó là nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư thông qua Hệ thống Thông tin quốc gia về đầu tư ra nước ngoài. Thủ tục này cung cấp thông tin sớm cho cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để xử lý hồ sơ dự án nhanh và thuận tiện hơn.
Ngoài ra, các thông tin về dự án đầu tư của nhà đầu tư, cùng với báo cáo tình hình thực hiện dự án do nhà đầu tư thực hiện trực tuyến sẽ hình thành hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, cung cấp thông tin các các cơ quan quản lý trong việc giám sát hoạt động này cũng như trong việc nghiên cứu, định hướng về cơ chế, chính sách.
“Khi nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư trực tuyến và đã có mã số đăng ký, nhà đầu tư hoàn toàn có thể theo dõi được quy trình và tiến độ xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư của mình”, ông Chung cho biết thêm.