Trực thăng chữa cháy sẽ được trang bị cho các đô thị đặc biệt |
Cụ thể, ngày 9/11/2015, Bộ Công an ban hành Thông tư 60 quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2016, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Quốc gia được trang bị định mức 1 đến 2 trực thăng chữa cháy và cứu hộ; địa phương loại đô thị đặc biệt được trang bị 1 đến 2 trực thăng loại này và phải có niên hạn sử dụng trong 15 năm.
Hiện Việt Nam có hai thành phố được Chính phủ xếp loại đô thị đặc biệt là thủ đô Hà Nội và TPHCM. Ngoài ra, Hải Phòng cũng đang được xem xét là đô thị loại đặc biệt vào năm 2020, muộn nhất là năm 2025.
Ngoài ra, mỗi đội cảnh sát chữa cháy trung tâm và khu vực phải có 5 xe chữa cháy, một xe thang từ 32 đến 52 m, một xe cứu thương, 2 mô tô chữa cháy cứu hộ, một máy ghi âm, ghi hình, thiết bị camera dò tìm người bị nạn...
Mỗi đội chữa cháy dưới sông, biển được trang bị một tàu chữa cháy, 2 ca nô cứu hộ.
Liên quan đến thông tin trang bị trực thăng chữa cháy cho Hà Nội và TP. HCM, còn nhớ, trước đó, một đại diện phía hàng không và phòng cháy chữa cháy cho rằng việc cứu hỏa, cứu hộ ở nhà cao tầng bằng trực thăng hiện nay là chưa khả thi và không thể thực hiện.
Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP. HCM Lê Tấn Bửu còn cho hay, vấn đề không lưu, quy chế bay, bảo dưỡng, đội ngũ phi công... cũng khá phức tạp bởi không phải mua máy bay về là dùng ngay, có khi mấy năm mới sử dụng đến, rất dễ hư hỏng.
Một vướng mắc khác là bãi đỗ cho sân bay trực thăng. Hiện rất ít tòa nhà cao tầng của Việt Nam có sân bay riêng được xây dựng trên cơ sở chuẩn mực về tải trọng, độ cao và diện tích. Trong khi các nước, các tòa nhà lớn thường có sân bay và nếu xảy ra cháy, trực thăng có thể đỗ trên nóc tòa nhà bên cạnh, từ đó phun nước dập tắt đám cháy.
Việt Nam từng sử dụng trực trăng để dập tắt một số đám cháy rừng, tuy nhiên với cháy tòa nhà cao tầng trong thành phố thì gặp rất nhiều khó khăn. Vì thành phố bị bao bọc bởi các tòa nhà cao tầng, hệ thống dây cáp, cột sóng di động và nhiều thiết bị khiến máy bay hoạt động không an toàn.
"Bản đồ thành phố không cập nhật phần tĩnh không, độ cao cho phép hoạt động của máy bay. Nếu phải cứu hộ, cứu nạn vào đêm tối, phi công sẽ không biết đường mà bay", một cán bộ của Cục Hàng không chia sẻ.
Cũng theo cán bộ này, các máy bay chỉ có thể cứu hộ cứu nạn đối với những sự cố lộ thiên như cháy rừng. Với các tòa nhà cao tầng được thiết kế khép kín, nguồn cháy không xác định, chỉ thấy khói bốc cao, nếu sử dụng máy bay trực thăng thả nước xuống tòa nhà thì cũng không hiệu quả.
"Giả sử điểm cháy ở ngang hông tòa nhà, máy bay không thể can thiệp vì nó chỉ có thể bay trên nóc, chứ không thể bay ngang phun nước vào", vị đại diện này nói và cho biết thêm nhà càng cao, cháy càng lớn thì càng làm máy bay không thể treo cao để cứu hộ được (độ cao treo được để cứu hộ tỷ lệ nghịch với tải trọng máy bay và nước chữa cháy).