Đầu tư
Đầu tư trực tiếp nước ngoài với nền kinh tế xanh (Bài 2)
- 15/03/2017 08:17
Năm 2017 đánh dấu tròn 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Báo Đầu tư trân trọng chuyển tới bạn đọc chùm bài nghiên cứu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của GS - TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.
TIN LIÊN QUAN

Để FDI hướng vào kinh tế xanh, Chính phủ cần kiên quyết không cho phép các tỉnh, thành phố tiếp nhận các dự án FDI mới vào những ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng, gây hiệu ứng nhà kính, không thân thiện với môi trường; hạn chế thu hút FDI vào dệt nhuộm với yêu cầu khắt khe về công nghệ, thành lập các khu chuyên biệt về dệt nhuộm và may mặc để vừa tạo ra chuỗi cung ứng dệt - nhuộm - may mặc có hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo đảm yêu cầu về môi trường và khí thải.

Chính phủ vừa giao Bộ Công thương nghiên cứu điều chỉnh chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời, điện gió, năng lượng tái tạo, vì mặc dù đã có chủ trương từ những năm đầu thập niên này về việc phát triển nhanh chóng các loại năng lượng sạch, nhưng do giá mua điện và chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế, các cuộc thương thảo dự án đầu tư gặp nhiều trở ngại vì vẫn duy trì cơ chế độc quyền đối với ngành điện. Do vậy, cho đến nay, mới có vài dự án điện mặt trời, điện gió vận hành, hầu như chưa có dự án năng lượng tái tạo. Một số tỉnh như Ninh Thuận đã ký kết 14 dự án điện gió, nhưng phần lớn không được thực hiện.

Một dự án điện gió tại Tuy Phong (Bình Thuận). Ảnh: Huyền Dũng

Có thể coi trạng thái đó là sự lãng phí lớn về thời gian và nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước vì chính sách không được ứng dụng vào thực tế. Cũng nên tìm ra nguyên nhân và người chịu trách nhiệm về sự lãng phí đó để rút kinh nghiệm cho việc điều chỉnh lần này.

Trong điều kiện Đảng và Nhà nước đã có quyết định đúng đắn và kịp thời dừng triển khai xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân công suất 4.000 MW, nguồn thủy điện không còn nhiều, đã phải nhập hàng chục triệu tấn than cho nhà máy điện than, thì chính sách khuyến khích FDI và đầu tư trong nước vào năng lượng sạch phải dựa trên các căn cứ sau:

1) Giá mua điện được hình thành trên nguyên tắc bảo đảm lợi nhuận hợp lý của nhà đầu tư tương ứng với các ngành khác trên cơ sở tính giá thành và hiệu quả kinh tế không chỉ bao gồm các chi phí trực tiếp như các loại năng lượng  khác, mà cần hạch toán cả việc tiết kiệm chi phí bảo vệ môi trường, phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính nếu sử dụng năng lượng truyền thống. 

2) Tạo thuận lợi trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán điện, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ theo nhu cầu hợp lệ của nhà đầu tư.

3) Xóa bỏ càng nhanh càng tốt trạng thái độc quyền của EVN, áp dụng đồng bộ cơ chế thị trường trong sản xuất và bán điện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư và người tiêu dùng.

4) Ngoài chính sách ưu đãi về thuế, đất đai thì cần nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi tài chính, trợ cấp cho một số dự án lớn trong những năm đầu bằng ngân sách nhà nước (như đã thực hiện đối với dự án của Intel tại TP.HCM).

Việc tổ chức quá trình điều chỉnh chính sách lần này cần khắc phục nhược điểm khi xây dựng nghị định để không lặp lại quá trình rất mất thời gian từ khi lập đề án, tìm nguồn tài chính, tiến hành khảo sát, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia các ngành, địa phương..., trong khi cuộc sống đang đòi hỏi cần có càng nhanh càng tốt nghị định mới về lĩnh vực này. Việc điều chỉnh chính sách chỉ cần khảo sát một vài dự án điện sạch đang vận hành và các dự án không được thực hiện để tìm trúng nguyên nhân, trên cơ sở đó lấy ý kiến các chủ dự án để có cơ sở sửa đổi một số quy định chưa đủ khuyến khích và bổ sung chính sách mới. Do đó, nếu được điều hành tốt thì chỉ cần một quý, Chính phủ có thể ban hành nghị định mới.

Nếu có chính sách đúng, chắc chắn sẽ tạo ra bước đột phá trong khai thác tiềm năng và lợi thế của nước ta về điện mặt trời, điện gió, năng lượng tái tạo, gia tăng nhanh chóng tỷ lệ các loại năng lượng này trong tổng nguồn cung năng lượng quốc gia trong điều kiện thuận lợi do giá cả máy móc, thiết bị và công nghệ của loại năng lượng này đã giảm nhiều trong vài năm gần đây và đang có xu hướng giảm. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư lớn từ Đức, Đan Mạch, Hàn Quốc, Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận lãnh đạo một số địa phương để hình thành các dự án năng lượng sạch.

Đối với các dự án FDI trong các ngành và lĩnh vực vẫn tiếp tục được khuyến khích thì cần quan tâm đến công nghệ tiên tiến, tiết giảm năng lượng, thân thiện với môi trường, giám sát chặt chẽ trong quá trình xây dựng nhà máy, công trình kiến trúc để góp phần tạo ra nền kinh tế xanh.

Chính phủ cũng cần có chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn nền kinh tế xanh; định ra một thời hạn để các doanh nghiệp thực hiện. Đầu tư, bao gồm cả FDI để tạo ra cuộc sống tốt hơn và bền vững hơn cho con người.

Nếu cuối cùng, đầu tư không làm tăng no ấm và hạnh phúc cho mọi người theo hướng kinh tế xanh, thì không nên tiến hành đầu tư và càng không nên theo đuổi đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác