Đầu tư
Đầu tư vào đâu khi lãi suất hạ
Lệ Chi - Thanh Tâm - 29/10/2014 16:32
Nhẩm số tiền lãi nhận được từ việc gửi tiết kiệm hiện nay so với thời kỳ đỉnh cao 3 năm trước chưa bằng một phần ba khiến chị Hạnh không khỏi xót xa. Tuy nhiên, sau một hồi đắn đo chị vẫn quyết định gửi tiếp vào ngân hàng vì chưa có lựa chọn khác.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lãi suất hạ và bài học đau thương
Lãi suất hạ: Tiền vẫn đổ vào ngân hàng

Từ 29/10, lãi suất tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống 5,5% một năm. Lãi suất huy động tối đa bằng USD cũng giảm từ 1% xuống 0,75% một năm.

   
  Lãi suất giảm khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi đang cân nhắc đầu tư các kênh khác  

Đây là lần thứ hai trần lãi suất huy động giảm trong năm 2014. Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm từ 8% về 7,5% và từ 7,5% về 7% một năm. Còn nếu tính từ đỉnh cao 14% vào thời điểm tháng 8/2011 thì nay lãi suất huy động ngắn hạn đã 9 lần giảm, tổng cộng 8,5%.

Nhớ lại thời kỳ lãi suất cao đó, chị Hồng Hạnh, TP.HCM, người có một tỷ đồng gửi tại chi nhánh của Ngân hàng Á Châu (ACB) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM không khỏi nuối tiếc. "Tiền lãi lúc ấy được hưởng mỗi tháng cũng gần 12 triệu đồng. Sau ba năm, giá cả mọi thứ gần như không giảm, có cái còn tăng, trong khi đó tiền lãi thì giảm đi hai phần ba", chị Hạnh than thở.

Tuy nhiên, vợ chồng chị đều đi làm công ty, không biết kinh doanh gì trong thời điểm này. Chứng khoán, bất động sản và vàng lại càng không dám tham gia vì quá phức tạp và rủi ro. Do đó, sau một hồi đắn đo chị đành quyết định gửi tiếp ba tháng vào ngân hàng.

Sau khi có thông tin giảm trần huy động ngắn hạn, nhiều khách hàng đến NH hỏi thăm tình hình lãi suất. Bà Thanh, quận 6, TP.HCM có khoản tiền gửi 500 triệu đồng sẽ đến hạn vào tuần tới tỏ vẻ sốt ruột. "Tôi đang cân nhắc có nên rút ra để kinh doanh gì đó hay là tiếp tục gửi lại ngân hàng", bà Thanh chia sẻ.

Sự đắn đo giữa việc gửi ngân hàng hay rút ra đầu tư kênh khác đang là tâm lý chung của nhiều người dân nắm giữ lượng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh lãi suất liên tục hạ.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, lãi suất giảm có thể dẫn đến sự chuyển dịch hành vi của nhà đầu tư. Số người gửi tiền tiết kiệm tại nhà băng sẽ giảm và thực tế đang có sự suy giảm. Họ bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở các lĩnh vực khác như bất động sản và vàng. Thời gian gần đây, quan sát thị trường cho thấy tỷ lệ người đầu tư hai lĩnh vực này đang có xu hướng tăng lên.

Nhưng vấn đề cốt lõi của việc giảm lãi suất, theo ông Doanh là cơ quan quản lý cần nghiên cứu làm sao để người dân lẫn doanh nghiệp nếu có rút tiền ra thì đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra của cải vật chất cho xã hội chứ đừng để họ có tư tưởng đầu tư “lướt ván” kiếm lời.

"Nền kinh tế vẫn đang khó khăn và rất cần nguồn vốn để đầu tư nhiều hơn vào sản xuất thông qua việc cải tiến khoa học công nghệ, máy móc, đào tạo nhân lực để doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh tốt hơn", ông nói.

Chung quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất giảm có thể khiến một số người rút tiền ra mua USD, vàng hoặc các kênh đầu tư khác. Khi đó, nguồn vốn của ngân hàng khả năng bị ảnh hưởng nhưng sẽ ở mức độ không đáng kể.

Bởi theo ông Hiếu, việc hạ lãi suất tiền gửi sẽ khó tránh khỏi sự phản ứng tức thời của người dân nhưng rồi sẽ nhanh chóng lắng xuống. Vì cơ bản thì các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, USD vẫn khá rủi ro.

"Tỷ giá biến động rất ít nên đầu tư thì tiền cũng không sinh ra tiền nhiều, còn vàng thời gian này lên xuống khá thất thường, bất động sản vẫn đóng băng, chứng khoán thì phức tạp. Do đó người dân nếu an toàn vẫn nên gửi ngân hàng", ông Hiếu phân tích.

Thực tế là 10 tháng qua, lãi suất tiết kiệm ở mức thấp nhưng lượng tiền nhà băng huy động vẫn không hề giảm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn đến 24/10 tăng 11,88% so với cuối năm 2013.

Tin liên quan
Tin khác