Khu tích trữ than cho một nhà máy điện than của Công ty năng lượng Steag ở thành phố Duisburg, phía Tây nước Đức. Ảnh: AFP |
Phân bổ đầu tư không đồng đều
Trong Báo cáo đầu tư năng lượng thế giới được công bố ngày hôm nay 22/6, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo đầu tư vào năng lượng sạch sẽ vượt quá ngưỡng 1.400 tỷ USD trong năm nay và chiếm "gần 3/4 mức tăng đầu tư năng lượng tổng thể". Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý rằng sẽ có một khối lượng công việc khổng lồ đang chờ xử lý phía trước.
"Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm về đầu tư năng lượng sạch trong 5 năm sau khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2015 chỉ hơn 2%", Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết.
Nhưng kể từ năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng vọt lên 12%. Với mức tăng trưởng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng vẫn "rất thiếu những gì cần thiết để đạt được các mục tiêu khí hậu quốc tế, nhưng dù sao đó cũng là một bước quan trọng đi đúng hướng".
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ông Fatih Birol, cho rằng với tình hình hiện nay, thế giới sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức kèm cơ hội.
"Chúng ta không thể phớt lờ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hay cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, nhưng tin tốt là chúng ta không cần phải lựa chọn giữa hai cuộc khủng hoảng này bởi có thể giải quyết cả hai cùng lúc", ông Birol nói.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế khuyến nghị, "sự gia tăng các khoản đầu tư lớn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch" là "giải pháp lâu dài duy nhất".
"Các khoản đầu tư này đang tăng lên, nhưng chúng ta cần tăng tốc nhanh hơn để giảm bớt áp lực mà người tiêu dùng đang đối mặt từ giá nhiên liệu hóa thạch cao, thúc đẩy an ninh năng lượng và đưa thế giới đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu khí hậu", đại diện Cơ quan Năng lượng Quốc tế nói thêm.
Các khoản đầu tư vào năng lượng sạch tăng lên là điều đáng mừng, nhưng một tuyên bố đi kèm Báo cáo đầu tư năng lượng thế giới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế lại cảnh báo rằng sự gia tăng đầu tư cho năng lượng sạch đang được phân bổ không đồng đều, trong đó phần lớn đến từ các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc.
Thực tế, nhiều nền kinh tế đang hứng chịu tác động của "bão giá" năng lượng và những lo ngại liên quan đến an ninh năng lượng đã thúc đẩy "đầu tư nhiều hơn vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá", Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, "chuỗi cung ứng than" đã thu được khoảng 105 tỷ USD vốn đầu tư trong năm 2021, tăng 10% so với năm 2020. Đầu tư vào ngành than được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm nay.
"Đầu tư vào cung cấp than toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 10% vào năm 2022 do nguồn cung khan hiếm tiếp tục thu hút các dự án mới", Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo. "Với khoản đầu tư hơn 80 tỷ USD, Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán sẽ chiếm phần lớn đầu tư vào ngành than toàn cầu năm 2022".
Về phía Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, họ lo ngại quá trình đốt than sẽ sản sinh ra một loạt các loại khí thải, bao gồm cacbon dioxit, lưu huỳnh dioxit, và nitơ oxit.
Môi trường toàn cầu đầy thách thức
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế được công bố đúng lúc lạm phát lập kỷ lục ở nhiều nền kinh tế, giá dầu và khí đốt liên tục tăng và căng thẳng địa chính trị liên quan đến chiến sự Nga - Ukraine.
Những yếu tố đó đã tạo ra một môi trường vô cùng thách thức cho các doanh nghiệp, các chính phủ và người tiêu dùng. Lĩnh vực năng lượng không đứng ngoài cuộc.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, gần một nửa trong số 200 tỷ USD vốn đầu tư tăng thêm vào lĩnh vực năng lượng toàn cầu trong năm 2022 có thể sẽ bị rơi rụng vì chi phí tăng cao. Cơ quan này lý giiar, chi phí cho các tấm pin mặt trời và tuabin gió - những công nghệ quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch - đã "tăng từ 10% đến 20% kể từ năm 2020" sau một thời gian sụt giảm.
Tổng giá trị hóa đơn năng lượng mà người tiêu dùng phải trả trong năm 2022 được dự đoán lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ USD, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Giá cả tăng cao đang thôi thúc một số quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh họ tìm cách đảm bảo và đa dạng hóa các nguồn cung cấp.
Mới đây, một số nền kinh tế lớn đã lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn hydrocacbon của Nga, điều này đã đặt ra một số tình huống thách thức. Chẳng hạn ở châu Âu, khi dòng khí đốt từ Nga sụt giảm và các mối lo sụt giảm nguồn cung đã khiến một số chính phủ xem xét quay trở lại dùng than.
Đức, Italia, Áo và Hà Lan đều cho biết các nhà máy nhiệt điện than có thể được kích hoạt để bù đắp cho nguồn cung khí đốt từ Nga đang bị cắt giảm.