CEO Flamingo Redtour Nguyễn Công Hoan |
Sau 4 lần bị “sóng thần” Covid-19 đánh trực diện, ở góc độ doanh nhân, theo ông, du lịch Việt đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?
Du lịch Việt Nam đang đứng trước 3 khó khăn lớn.
Thứ nhất, qua 4 đợt dịch, thị trường quốc tế đóng băng, thị trường nội địa sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu gần bằng không. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, phá sản.
Kinh phí để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp du lịch rất lớn, nhưng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua chưa giải quyết được căn cơ, chưa phù hợp với tính chất của ngành kinh tế xanh.
Đơn cử, chính sách miễn giảm thuế không có ý nghĩa bởi doanh nghiệp không có thu nhập. Chính sách cho vay ưu đãi, chính sách hỗ trợ giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cũng tương tự.
Thứ hai, doanh nghiệp không thể dự báo thời điểm nào có thể phục hồi để lên kế hoạch kinh doanh.
Thứ ba, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi du lịch, thị trường du lịch. Khi Covid-19 được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp mông lung, không biết bắt đầu từ đâu, sản phẩm như thế nào mới phù hợp xu hướng, tâm lý và nhu cầu của du khách.
Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, theo ông, giai đoạn 2021-2025, ngành kinh tế xanh cần phát triển theo hướng nào?
Tôi cho rằng, Việt Nam vẫn phải xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, bởi khả năng tạo việc làm, thu nhập rất lớn. Việt Nam được quốc tế đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng về du lịch như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, yếu tố truyền thống…
Cùng với đó, du lịch Việt Nam phải “đi tắt, đón đầu”. Nếu trước đây, Việt Nam được đánh giá là đi sau một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… thì nay, Covid-19 khiến hầu hết các quốc gia đều phải quay về điểm xuất phát, mọi quốc gia đều như nhau. Nếu tận dụng tốt thời cơ, được đầu tư xứng tầm, bứt phá mạnh mẽ, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua Thái Lan, Singapore để vươn lên dẫn đầu khu vực ASEAN. Muốn vậy, ngành kinh tế xanh phải đưa ra lộ trình, giải pháp hữu hiệu, tạo ra những chủ đề, hướng đi riêng.
Vấn đề quy hoạch phát triển du lịch cũng vô cùng quan trọng. Trước đây, du lịch Việt Nam xác định trọng tâm là các sản phẩm du lịch biển, văn hóa, ẩm thực… Nhưng nay phải đưa ra nhiều quan điểm hơn, dựa trên cơ sở nghiên cứu, tính toán rõ xu hướng trong thời gian tới để thay đổi.
Đặc biệt, cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo là xu hướng không thể đảo ngược. Vì thế, áp dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động quản lý, vận hành cũng như tạo ra các sản phẩm mới, quảng bá, tiếp thị đến du khách được xem là yếu tố sống còn với ngành công nghiệp không khói. Trong ngắn hạn, chúng ta phải xác định thị trường nội địa vẫn là thị trường bền vững, có thể phục hồi ngay.
Muốn thế, ngành du lịch phải có sản phẩm mới lạ, độc đáo, hấp dẫn. Với trong nước, một thời gian dài chỉ loanh quanh các sản phẩm du lịch biển, văn hóa, nghỉ dưỡng…, giờ phải mở rộng thêm khám phá thiên nhiên, môi trường, đồng quê, miền núi… những lĩnh vực vốn chỉ dành cho nhóm nhỏ khách trẻ tuổi, thích trải nghiệm.
Như ông đề cập, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, là yếu tố sống còn với sự phát triển của ngành kinh tế xanh. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Hiện nay, tất cả các ngành đều phải chuyển đổi số. Riêng ngành du lịch, có thể ứng dụng trên nhiều góc độ.
Đầu tiên là nghiên cứu thị trường và truyền thông. Những phương thức truyền thống như bảng câu hỏi, công nghệ đơn giản để thăm dò thị trường sẽ mất nhiều thời gian, không hiệu quả. Nếu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, big data trong lĩnh vực này thì sẽ đánh giá nhu cầu một cách sát hơn, chính xác hơn.
Mặt khác, cũng chỉ có công nghệ mới giúp doanh nghiệp quảng cáo marketing nhanh và mạnh, phủ kín được các đối tượng muốn tiếp cận.
Về sản phẩm, trước đây chúng ta chỉ xác định du lịch là đi thăm, đi xem thực tế, nhưng khi ứng dụng công nghệ thì sản phẩm sẽ hấp dẫn, đa dạng hơn. Đơn cử, như thăm một di tích, nếu chỉ nhìn vào những dấu tích hiện tại sẽ khó hình dung được quy mô trước kia, nhưng nếu dùng công nghệ 3D tái hiện, du khách sẽ ấn tượng và thích thú hơn nhiều.