Sở hữu nhiều tiềm năng
Ngày 8/9, chia sẻ tại Diễn đàn Liên kết phát triển logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ tại Trung tâm Hội nghị Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành đều có chung nhận định rằng, Đông Nam Bộ là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính sơ bộ, hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn. |
“Hiện tại vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Đây là một tỷ trọng rất cao. Trong đó, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (TP.HCM), Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu)”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thông tin.
Báo cáo của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng thể hiện, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế-xã hội có đóng góp hàng đầu cho kinh tế cả nước.
Một số ước tính cho thấy trong năm 2022, vùng Đông Nam Bộ đóng góp khoảng 30,8% GDP, khoảng 35% tổng xuất khẩu và 38% tổng thu ngân sách của cả nước. Hoạt động thương mại của vùng diễn ra khá sôi động, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là nhờ phát triển ngành logistics trong vùng.
Bên cạnh đó, vùng Đông Nam Bộ có kết nối đa dạng với cả nước thông qua các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, cùng hệ thống kho bãi đa dạng. Cụ thể, vùng có cụm cảng biển (cảng Tân Cảng Cát Lái, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải) lớn nhất cả nước.
Vùng cũng có các cảng hàng không quan trọng, trong đó có cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (với quy mô lớn nhất cả nước), cảng hàng không quốc tế Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) phục vụ du lịch, và đang trong quá trình đẩy nhanh dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai.
Theo báo cáo Logistics Việt Nam năm 2022, vùng Đông Nam Bộ đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Về giao thông đường bộ, nhiều công trình giao thông theo trục hướng tâm về TP.HCM, các trục cao tốc quan trọng, tuyến đường sắt quốc gia, tuyến giao thông nội tỉnh và liên tỉnh được hoàn thành, đưa vào sử dụng theo quy hoạch, góp phần khắc phục tình trạng chia cắt giữa các địa phương và giảm thời gian lưu thông hành khách, hàng hóa.
Chỉ tính riêng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, và mạng lưới giao thông đường bộ tương đối hoàn thiện.
Các dự án kết nối với vùng hậu phương như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP.HCM, hệ thống giao thông liên cảng Cái Mép-Thị Vải và đường sắt kết nối kinh tế vùng và vươn ra khu vực quốc tế. Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có nhiều bến cảng nhất thuộc khu vực phía Nam.
Toàn cảnh Diễn đàn. |
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, dịch vụ logistics trên địa cũng rất đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác với toàn tỉnh có hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa; và kinh doanh dịch vụ kho bãi logistics.
Về hạ tầng logistics cảng biển, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng chính của cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện đã có 24 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế là 129 triệu tấn/năm, có tiềm năng là cửa ngõ quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á. Hiện, cụm cảng này đã đón được siêu tàu container lớn nhất thế giới có tải trọng 232.000 DWT vào tháng 3 năm nay.
Cần chung tay gỡ điểm nghẽn
Dù sở hữu nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển lớn, nhưng sự phát triển của ngành logistics nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung ở vùng Đông Nam Bộ vẫn phải đối diện với các “điểm nghẽn”. Trong đó, nổi bật là các vấn đề về cơ sở hạ tầng.
Chẳng hạn, ngay cả với Bà Rịa-Vũng Tàu, dịch vụ logistics trên địa bàn được đánh giá là khá đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác. Tuy nhiên, trong báo cáo Logistics Việt Nam 2022 của Bộ Công thương cũng nêu rõ, trình độ phát triển của các dịch vụ logistics vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ về vận tải biển và đa phương thức.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để xử lý các vấn đề về kết nối cơ sở hạ tầng và dịch vụ liên kết, thì nỗ lực riêng của từng địa phương trong vùng Đông Nam Bộ là không đủ hoặc khó có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Thay vào đó, cần ưu tiên tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, và giữa vùng Đông Nam Bộ với các vùng kinh tế khác là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững ngành logistic và phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày của các doanh nghiệp. |
Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng chia sẻ, nếu xem hoạt động logistics là một cỗ máy thì muốn cho cỗ máy này hoạt động trơn tru sẽ phải xem xét các cấu phần cấu thành gồm: phần cứng, phần mềm, công nghệ và con người vận hành.
“Đích cuối cùng của kinh doanh là mục tiêu tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, nộp ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, chúng ta phải đẩy nhanh nguồn hàng thông qua việc liên kết vùng, nguồn hàng tại chỗ và nguồn hàng trung chuyển. Tôi cho rằng cần ưu tiên tuyệt đối cho nguồn hàng tại chỗ, trước khi đẩy mạnh nguồn hàng trung chuyển”, ông Thành nói.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục đường thuỷ nội địa, Bộ Giao thông vận tải cho biết, các tuyến đường thủy nội địa kết nối trực tiếp đến các cảng biển giúp gom và rút hàng hóa rất hiệu quả; đặc biệt là giữa cảng biển Cái Mép, các cảng biển khác khu vực Đông Nam Bộ với nguồn hàng Đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Campuchia.
Tuy nhiên, đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của vận tải đường thủy nội địa. Mặc dù đóng góp khoảng 20% sản lượng vận tải của toàn ngành giao thông, nhưng nguồn vốn đầu tư cho vào đây so với tổng đầu tư ngành giao thông vận tải còn chiếm tỷ lệ chưa đến 5% (cả ngân sách nhà nước và đầu tư tư nhân).
Từ đó, ông Thu đề xuất 3 nhóm giải pháp gồm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng kết nối giữa cảng biển cửa ngõ với vận tải thủy nội địa, tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng. “Nếu chúng ta đi nhanh thì đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa thì đi cùng nhau”, ông nhấn mạnh.