Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại Hội thảo |
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội” do Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, tính đến ngày 31/7/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325.000 tỷ đồng, tăng hơn 190.000 tỷ đồng (gấp 2,4 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%.
“Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW”, ông Thắng nói.
Để có được kết quả trên là nỗ lực huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người dân các địa phương.
Theo ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, lũy kế từ năm 2014 đến ngày 30/6/2023, ngân sách tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn đầu tư hợp pháp khác ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 502,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh là 336,6 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện 164,5 tỷ đồng và nguồn vốn chủ đầu tư khác 1,1 tỷ đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, UBND tỉnh, các huyện, thành phố hàng năm cân đối nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được 198 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, tăng 139 tỷ đồng so với năm 2014 từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại Hội thảo nêu trên, ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nguồn vốn có thời hạn dài trên 5 năm chiếm 41,8%, nguồn vốn ngắn hạn chiếm 58,2%. Nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp chiếm tỷ trọng thấp (chiếm 14,3%), trong khi nguồn vốn huy động từ thị trường chiếm tỷ trọng cao (67,2%), tạo áp lực về khả năng thanh khoản.
Cũng theo ông An, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh, trong một số năm gần đây, tối đa chỉ được phát hành bằng nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội không tận dụng được cơ hội để huy động thêm nguồn vốn giá rẻ, ảnh hưởng đến việc cân đối nguồn vốn cho vay. Trong khi đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh như Nghệ An, Hải Dương, Quảng Bình, Thái Nguyên… còn hạn chế, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
“Có địa phương chỉ quan tâm đến tầng cao như doanh nghiệp, chứ chưa quan tâm đến tầng thấp là những người nghèo… Thậm chí, có địa phương khi được trao đổi, lãnh đạo còn không biết đến Chỉ thị số 40-CT/TW”, ông An nói.
Theo ông An, nguyên nhân của vấn đề này là một số ít cấp ủy, chính quyền chưa tích cực quan tâm triển khai Chỉ thị số 40- CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư; chưa xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết, đã xác định nhiệm vụ và tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW; Kết luận số 06-KL/TW; Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 17/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt công tác huy động các nguồn lực, cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay…
“Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp tỉnh, huyện có kế hoạch cân đối bố trí nguồn vốn ủy thác địa phương theo lộ trình cụ thể, để đến cuối giai đoạn vào năm 2030 phấn đấu đạt 15%/tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội”, ông Nguyễn Hữu Đông chia sẻ.
Ông Đoàn Anh Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cam kết tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ngân sách địa phương tối thiểu bằng 15% tổng dư nợ.
“Tất cả hướng đến mục tiêu, để người dân nghèo, khó khăn tiếp cận nguồn vốn chính sách phát triển kinh tế gia đình”, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kỳ vọng.