Chuyển đổi số - Kinh tế số
Đẩy mạnh yếu tố “xanh” để tăng khả năng gọi vốn
Đức Thọ - 21/12/2023 14:19
Hướng tới các lĩnh vực kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, start-up có lợi thế tiếp cận các nguồn tài trợ bền vững và tăng khả năng gọi vốn thành công.

Alternō là start-up của Việt Nam, hướng tới công nghệ lưu trữ năng lượng mới thông qua pin cát. Pin cát Alternō có khả năng lưu trữ nhiệt từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió, sau đó sử dụng năng lượng nhiệt này để sấy khô các sản phẩm nông nghiệp như trà, cà phê, gạo…

Chính nhờ hướng đi mới trong lĩnh vực năng lượng, Alternō đã gọi vốn thành công từ Quỹ đầu tư Atler, dù đến nay, start-up vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và chưa chính thức bán sản phẩm ra thị trường.

Không chỉ gọi vốn thành công, Alternō còn nhận được sự chú ý của nhiều tổ chức quốc tế. Wacom - tập đoàn công nghệ đến từ Nhật Bản - đã tài trợ cho Alternō mà không đòi hỏi cổ phần hoán đổi, để Alternō hoàn chỉnh bằng sáng chế đầu tiên. Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA cũng tham gia tài trợ để start-up đẩy mạnh sản xuất pin cát, từ đó cung cấp nước ấm, nhiệt sưởi phục vụ người dân khu vực phía Bắc và Tây Nguyên.

Những năm gần đây, môi trường xanh, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh… đã và đang trở thành xu hướng ưu tiên đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trên toàn cầu gặp nhiều khó khăn, một lượng vốn vẫn đều đặn chảy vào các lĩnh vực kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.

Theo kết quả Báo cáo Khảo sát các nhà đầu tư toàn cầu của mạng lưới kiểm toán toàn cầu PwC, hơn 75% nhà đầu tư khẳng định cân nhắc về tiềm năng hoặc ra quyết định đầu tư cho các doanh nghiệp tập trung vào tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp xanh và start-up xanh đang là trọng tâm, xu hướng được ưu tiên của các nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, dù chưa có thống kê chính xác, nhưng theo Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, dòng vốn đổ vào start-up xanh đang tăng nhanh. Ngoài Alternō, nhiều start-up xanh cũng gọi vốn thành công và liên tiếp giành được giải thưởng cao tại các cuộc thi khởi nghiệp, như Benkon - start-up về tiết kiệm năng lượng trong mảng điều hòa, hay Buyo - start-up về nhựa sinh học.

Theo các chuyên gia, so với start-up lĩnh vực khác, start-up xanh có lợi thế tiếp cận các nguồn tài trợ bền vững từ các chính phủ, quỹ phát triển, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tập đoàn...

Tuy nhiên, các dự án xanh thường có chi phí đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn lâu hơn so với dự án thông thường. Do đó, các doanh nghiệp muốn gọi vốn cần có lộ trình kế hoạch triển khai cụ thể; đồng thời cần có mức độ quản trị và minh bạch cao hơn.

Về phía cơ quan quản lý, cũng cần đẩy mạnh hoàn thiện hành lang pháp lý và có chính sách ưu đãi riêng về thuế, lãi suất để khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước phát triển, qua đó thúc đẩy dòng vốn chảy vào các dự án thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

Tin liên quan
Tin khác