Xuất khẩu chuối sang Trung Quốc thuận lợi hơn vì 2 bên đã ký kết Nghị định thư. |
Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau thị trường Mỹ. Trong tháng 4/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 3 tỷ USD, luỹ kế 4 tháng đạt gần 14 tỷ USD, tăng 11%, trong đó lượng hàng trái cây tươi tăng đến 300%.
Nhưng, thách thức xuất khẩu với một số loại trái cây đang hiện hữu. Nguồn tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho hay, thời gian gần đây Trung Quốc đã phát triển mở rộng diện tích vải thiều, thanh long, chanh leo… đe dọa tới sức tiêu thụ nông sản Việt Nam tại thị trường này.
"Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chưa ký kết được nghị định thư kiểm dịch thực vật với Trung Quốc, dẫn tới tỷ lệ kiểm soát gần 100% lô hàng, ảnh hưởng tới hiệu suất xuất khẩu", đại diện Vinafruit thông tin.
Ngoài ra, một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự.
Nửa cuối năm 2022, dù Việt Nam và Trung Quốc đã lần lượt ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến, mở ra cơ hội mới cho các mặt hàng thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này, nhưng vẫn cần đẩy nhanh việc ký kết thêm Nghị định thư cho nhiều loại nông sản nữa để đưa xuất khẩu vào "đường ray" xuất khẩu chính ngạch.
Bởi lẽ, khi hàng hóa được xuất khẩu chính ngạch có thể vào Trung Quốc qua tất cả cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền mà không phải ùn ứ chờ đợi ở một vài cửa khẩu phụ, lối mở dành cho trao đổi cư dân như xuất khẩu tiểu ngạch.
Đơn cử, với trái sầu riêng, sau khi được ký kết Nghị định thư từ 7 năm ngoái và có lô hàng xuất chính ngạch đầu tiên vào tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đã tăng mạnh, cả năm đạt 420 triệu USD.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) nhấn mạnh: "Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó, đòi hỏi nông sản Việt cần hướng đến xuất khẩu bền vững để giữ thị trường tỷ dân".
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng trên 55% tổng kim ngạch. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.
Hiện, với mặt hàng dưa hấu, khoảng 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam, nhưng do chưa ký kết Nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng, một số thời điểm rơi vào cảnh bị ùn ứ tại cửa khẩu phụ, lối mở, khiến hàng hóa hư hỏng, doanh nghiệp, nông dân rất rủi ro.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần đẩy mạnh việc đàm phán ký Nghị định thư để nhiều loại trái cây của Việt Nam có thể được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc ký kết Nghị định thư về dài lâu đem lại nhiều kết quả rất tích cực. Nghị định thư ký kết với mỗi mặt hàng đều quy định cụ thể về yêu cầu kiểm dịch thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói, quy cách....Các sản phẩm xuất khẩu phải đăng ký thông qua cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mới đủ điều kiện để xuất đi Trung Quốc.
Điều này sẽ giúp cho DN doanh nghiệp, nông dân nắm bắt để tổ chức sản xuất bài bản, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định của nhà nhập khẩu, không chỉ tại Trung Quốc mà các thị trường như Mỹ, EU...đều yêu cầu.
Việt Nam có nhiều loại nông sản đang được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, tổ yến, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.
Trong đó, mới có một số sản phẩm đã có nghị định thư (sầu riêng, chuối, chanh leo, tổ yến, măng cụt, thạch đen, khoai lang). Các loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gồm xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm đến nay chưa ký Nghị định thư.
Về lâu dài, Trung Quốc yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại nông sản và ngay cả các loại quả truyền thống đang xuất khẩu ổn định sẽ phải ký kết lại Nghị định thư để có các hình thức quản lý tương tự như chuối, măng cụt, sầu riêng, phải có khai báo mã số vùng và cơ sở đóng gói theo đúng "địa chỉ" mà Trung Quốc chấp thuận.