Ngân hàng - Bảo hiểm
Đẩy nhanh xử lý nợ xấu tạo cơ hội cho M&A
Kỳ Thành - 24/07/2017 08:10
Việc Chính phủ có hàng loạt động thái thúc đẩy xử lý nợ xấu những ngày vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho thị trường mua bán và sáp nhập (M&A).
TIN LIÊN QUAN

Rốt ráo xử lý nợ xấu

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến vào cuối tuần qua nhằm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu và 3 năm thực hiện Đề án Xử lý nợ xấu tổ chức tín dụng và thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hệ thống ngân hàng ổn định, an toàn, nhiều tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và cơ cấu lại.

Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm tốt hơn và tạo ra nhiều cơ hội cho M&A. Trong ảnh: Một tài sản đảm bảo là bất động sản thuộc sở hữu của  VPBank. Ảnh: Đức Thanh

Nhìn chung, nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, nhưng tính chung cả nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn cao (trên 10%) và phải tập trung quyết liệt triển khai thực hiện, xử lý.

Đánh giá Nghị quyết của Quốc hội, ông Lê Minh Hưng cho rằng, đây là văn bản pháp lý rất quan trọng khi lần đầu tiên giải quyết được các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua.

“Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước”, Thống đốc nhấn mạnh.

Một lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng nhận định: “Nghị quyết này không mang lại đặc quyền cho ngân hàng, mà chỉ là khuôn khổ pháp lý cho ngân hàng và khách hàng thực hiện cam kết đã thỏa thuận. Với khuôn khổ đã có, việc bán nợ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, phần lớn nợ xấu hiện nay có tài sản đảm bảo, việc xử lý nợ xấu trong nhiều năm qua gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, nên tiến triển rất chậm, khó khăn chủ yếu nằm ở khâu xử lý tài sản đảm bảo thông qua các con đường tố tụng, cưỡng chế, thi hành án, mất rất nhiều thời gian. “Nghị quyết 42/2017/QH14 là một bước tiến đáng kể để tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu”, ông Trung nhấn mạnh.

Nợ xấu, nhưng tài sản không xấu

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, “linh hồn” của Nghị quyết 42/2017/QH14 là xử lý tài sản đảm bảo. “Nợ xấu ngân hàng có nhiều nguyên nhân. Nợ xấu, nhưng tài sản bảo đảm không xấu”, ông Quang nói.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng, điều này sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm tốt hơn và tạo ra nhiều cơ hội cho M&A. Với Nghị quyết 42/2017/QH14, việc xử lý nợ xấu sẽ có những bước đột phá, có tác động lớn đến M&A trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và M&A doanh nghiệp nói chung.

Chính phủ và ngân hàng Nhà nước rất khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia việc tái cơ cấu, mua lại ngân hàng yếu kém.

Ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (NHNN) cho rằng, Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ tạo ra những bước đột phá trong hoạt động M&A. “Xử lý tài sản bảo đảm là linh hồn của xử lý nợ. Thực tế, nếu không tháo gỡ những quyền như thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, hay khi bán một tài sản đảm bảo dưới giá thì cán bộ tín dụng hay VAMC không dám xử lý. Nay Nghị quyết 42/2017/QH14 đã tháo gỡ những e ngại về mặt trách nhiệm hình sự của cán bộ tổ chức tín dụng”, ông Thọ cho hay.

Theo ông Thọ, những tháo gỡ này sẽ tạo động lực cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém của Việt Nam.

“Mua lại ngân hàng là việc không đơn giản, tài sản công nợ ngân hàng rất đa dạng và nhiều tài sản chuyên sâu trong hoạt động tín dụng, bảo lãnh, thanh toán, mạng lưới trải dài trên toàn quốc với rất nhiều các chi nhánh, phòng giao dịch… Khi tham gia tái cơ cấu mua lại ngân hàng yếu kém, nhà đầu tư nước ngoài phải nhìn thấy triển vọng xử lý nợ xấu”, ông Bùi Huy Thọ nhận định.

Ông Thọ cũng cho biết, liên quan các ngân hàng 0 đồng, nhà đầu tư nước ngoài đang ở giai đoạn II trong việc đánh giá, soát xét toàn diện Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank). Hai ngân hàng còn lại là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Xây dựng (CBBank) đều có các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vấn đề bước đầu tham gia tái cơ cấu, mua lại.

“NHNN đã đồng ý ban đầu cho các nhà đầu tư tiếp cận các ngân hàng để có các thông tin bước đầu nhằm đánh giá và quyết định các bước tiếp theo. NHNN và Chính phủ rất khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia việc tái cơ cấu, mua lại ngân hàng yếu kém”, ông Thọ cho hay.

Tin liên quan
Tin khác