Thời sự
Để đạt mục tiêu tăng trưởng, không bàn "chuyện vô thưởng, vô phạt"
Hà Nguyễn - 05/06/2017 08:41
Một sự quyết tâm nhìn thấy rõ từ Chính phủ về việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, khi một chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Có lẽ, hiếm có khi nào, một chỉ thị về thúc đẩy tăng trưởng lại được ban hành bổ sung vào thời điểm giữa năm, thay vì vào thời điểm đầu năm như thường lệ. Nhưng lại rất dễ hiểu trong tình hình hiện nay, khi tăng trưởng GDP quý I/2017 ở mức 5,1% và nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, Chính phủ lại kiên định và nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% mà Quốc hội đã quyết nghị từ cuối năm trước.

Sự kiên định này, một lần nữa đã được khẳng định trong Chỉ thị số 24/CT-TTg mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.

.

Một sự kiên định và quyết tâm có cơ sở, dựa trên triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới, cũng như những diễn biến thuận lợi của kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian gần đây. Một sự kiên định và quyết tâm cần thiết, bởi nếu không thúc đẩy tăng trưởng, nguy cơ nền kinh tế sẽ tụt hậu, không thể thu hẹp khoảng cách với các nước, cũng khó đạt các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của giai đoạn 2016 - 2020.

Không tăng trưởng bằng mọi giá, nhưng Chính phủ cũng quyết tâm không lãng phí cơ hội và tiềm năng. Bởi thế, mọi cấp, mọi ngành phải nỗ lực tận dụng cơ hội và tiềm năng, vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

Các giải pháp điều hành đã được đặt ra, để làm sao khu vực nông nghiệp tăng trưởng 3,05%, công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 7,91%, còn dịch vụ tăng trưởng 7,19% trong năm nay, đủ để toàn nền kinh tế “về đích” đúng hẹn.

Có đầy đủ cả giải pháp dài hạn và ngắn hạn, cho mọi ngành, mọi lĩnh vực. Từ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế… đến thúc đẩy tăng trưởng trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ xuất khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động; xây dựng, nhất là xây dựng công trình dân sinh; dịch vụ, du lịch… Ngoài ra, còn có thêm giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; không loại trừ khả năng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô.

Cùng với xử lý nợ xấu, Chỉ thị còn nêu rõ quan điểm phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18% để “nuôi dưỡng” nền kinh tế. Bên cạnh đó còn là giải quyết các dự án ngàn tỷ nằm đắp chiếu, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cũng như huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, làm sao để tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể đạt 34-35% GDP… Rất nhiều giải pháp như vậy đã được Chính phủ yêu cầu thực hiện.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, dù có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng kinh tế - xã hội Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn. Dù là có cơ sở, dù là có tiềm năng, nhưng không phải cứ tự nhiên mà thành, phải có sự nỗ lực, rất nỗ lực, phải có sự quyết tâm, rất quyết tâm… của mọi cấp ngành, mọi doanh nghiệp thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay mới có thể đạt được.

Chỉ một sự kiên định và quyết tâm của Chính phủ thôi là chưa đủ. Tất cả phải cùng chuyển động thì “cỗ xe kinh tế Việt Nam” mới có thể chạy trên con đường còn nhiều trở ngại cần vượt qua. Chỉ một bánh xe lệch hướng, cả cỗ xe sẽ đi chậm dần và chệch khỏi quỹ đạo.

Không chỉ là “quyết tâm chung chung”, sau khi ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến chuyện “ai là người chịu trách nhiệm từng chỉ tiêu tăng trưởng trong từng lĩnh vực”. Như vậy, nếu cá nhân nào, tổ chức, cơ quan nào không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ (trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, nhân tai từng xảy ra trong năm 2016) thì sẽ bị xử lý, nhắc nhở. Và cũng không phải là chuyện chỉ họp bàn về những lời văn chung chung, vô thưởng vô phạt, mà phải là bàn về những con số cụ thể.

Một sự quyết liệt vô cùng mạnh mẽ. Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần lắm sự đồng thuận, chung tay, cùng sự quyết tâm mạnh mẽ của cả bộ máy chính trị, củatoàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác