Nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam đểu phải đi vay nợ.
Nhờ khoản tiền nhiều triệu tỷ đồng vay nợ mà hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt. Tại Việt Nam, nguồn vốn vay đã được tập trung khôi phục, nâng cấp và xây dựng mới hàng loạt dự án cầu đường bộ quy mô lớn như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 18, đường xuyên Á, hầm đường bộ đèo Hải Vân, cầu Hàm Luông, Mỹ Thuận, Cần Thơ, Thanh Trì, Bãi Cháy… Trong lĩnh vực hàng hải, hàng loạt dự án đã đi vào khai thác như cảng biển nước sâu Cái Lân, Hải Phòng, Tiên Sa, Sài Gòn, Cái Mép - Thị Vải...
. |
Trong lĩnh vực hàng không, cũng nhờ nguồn vốn này, các cảng hàng không quốc tế hiện đại như Sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga T1 và T2 Nội Bài Hà Nội và nhiều sân bay khác đã đi vào khai thác và cho hiệu quả bước đầu.
Nhờ sự đầu tư bằng nguồn vốn này mà thứ hạng về hạ tầng giao thông đã được cải thiện rất nhanh chóng. Từ vị trí thứ 103/138 trong năm 2010, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 74 vào năm 2014 và 64 vào năm 2016.
Đầu tư công không chỉ trực tiếp tác động lên tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện nhờ nguồn vốn này đã góp phần đáng kể trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khuyến khích tổ chức, cá nhân bỏ vốn ra kinh doanh; thu hút khách du lịch quốc tế; hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước…
Điều dễ nhận thấy là phát triển hạ tầng giao thông sẽ tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế, bởi không doanh nghiệp nước ngoài nào muốn đầu tư ở Việt Nam khi phải mất quá nhiều thời gian, chi phí cho vận chuyển hàng hóa. Sẽ không nhiều người muốn tham gia thị trường khi mất quá nhiều thời gian cho việc đi lại. Và cũng ít có khách du lịch quốc tế nào muốn đến Việt Nam khi phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ chỉ để làm thủ tục xuất - nhập cảnh, bị trễ chuyến bay do cảng hàng không quá tải.
Tuy nhiên, kể từ năm 2010 trở lại đây, tốc độ tăng nợ công hằng năm bình quân đã lên tới 18,4%/năm, trong đó chủ yếu là nợ chính phủ, cao gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cộng với hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, nợ công tăng đã và đang gây áp lực lên ngân sách nhà nước khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Áp lực trả nợ xuất hiện từ năm 2013, buộc Bộ Tài chính phải đi vay để cơ cấu lại nợ. Áp lực trả nợ mỗi năm một tăng, bởi thu ngân sách chỉ đủ chi tiêu thường xuyên và dành một phần cho đầu tư phát triển, trong khi nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ ngày càng lớn. Nợ tăng không chỉ khiến bội chi tăng, mà khiến ngân khố quốc gia gặp khó khăn khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đe dọa tới an ninh tài chính quốc gia. Đây chính là nỗi trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội.
Không tăng vốn cho đầu tư phát triển thì kinh tế tăng trưởng thấp, song nếu tăng vốn đầu tư phát triển thì dẫn đến tăng nợ công. Đây là bài toán cực kỳ khó, cần có lời giải chuẩn xác trong bối cảnh hiện nay.
Thực ra, việc tìm lời giải bài toán này không quá khó một khi có giải pháp huy động, quản lý, sử dụng, giám sát hiệu quả đầu tư công, thu hồi được vốn để trả nợ. Đặc biệt là không để vốn đầu tư công chảy tiếp vào những dự án “ngàn tỷ” không mang lại hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc “đắp chiếu” do thua lỗ như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ…
Cử tri cả nước kỳ vọng, bài toán đầu tư - tăng trưởng kinh tế - nợ công sẽ sớm có lời giải Quốc hội khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi tại kỳ họp lần này và kỳ họp tiếp theo.