Thưa ông, có phải cộng đồng doanh nghiệp đang sốt ruột với tiến trình cải cách DNNN?
| ||
Ông Alain Cany, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam |
Cho đến thời điểm này, có thể nhận thấy, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái rất tích cực trong các công việc và lộ trình cụ thể và khá suôn sẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát và theo dõi tiến độ của quá trình này.
Trong khi đó, cải cách DNNN đang nổi lên với những yêu cầu mới.
Thứ nhất, Hiến pháp vừa được thông qua tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Điều này có nghĩa là, nỗ lực tái cơ cấu DNNN cần phải mạnh mẽ hơn, đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai không phải gánh chịu thêm cú sốc lớn như vụ Vinashin hay Vinalines. Cũng phải nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam không thể chịu thêm một cú sốc nào tương tự.
Thứ hai, chúng tôi nhận định, tái cấu trúc ngân hàng không thể hoàn thiện một cách thành công nếu không song hành với tái cơ cấu DNNN. Thực tế tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cho thấy, tỷ lệ nợ của các DNNN lớn trong các ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, còn khá lớn.
Hiện tại, các khoản nợ này chưa bị xếp là nợ xấu, nhưng nếu không thực sự tái cơ cấu DNNN, cải thiện hoạt động của khu vực doanh nghiệp này một cách mạnh mẽ, thì khả năng những khoản nợ đó biến thành nợ xấu là không nhỏ. Nếu tình huống này xảy ra, năng lực của hệ thống ngân hàng khó có thể giải quyết được khoản nợ xấu không lồ đó.
Thứ ba, nỗ lực cải cách DNNN nhắm tới mục tiêu tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài. Yêu cầu này rất quan trọng để đảm bảo Việt Nam có được môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng như mong muốn.
Đó là lý do chúng tôi đã chọn cải cách DNNN là chủ đề trọng tâm, được các phòng thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp và nhóm công tác phân tích ở nhiều góc độ khác nhau.
Ông nhìn nhận thế nào về tiến độ giải quyết các kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)?
Chúng tôi hài lòng với những tiến bộ thời gian qua. Điểm lại tiến độ thực hiện các kiến nghị từ VBF giữa kỳ năm 2012 đến nay, có 7 nội dung đạt được kết quả tích cực, 8 nội dung cần thêm hành động hơn nữa… Đây là mức khá cân bằng.
Tuy nhiên, có những lĩnh vực chúng tôi không hoàn toàn hài lòng, vì đáng ra phải có những cải thiện tốt hơn. Nhưng cũng phải thừa nhận thực tế là, không có gì nhanh chóng đạt được kết quả trong một sớm một chiều.
Nhiệm vụ của VBF là nỗ lực chủ động nghiên cứu và tiếp tục khuyến nghị Chính phủ với tư cách là những người đồng hành trên cùng một con thuyền, chứ không phải là cuộc đấu tranh để giành lợi ích.
Cần phải xác định rõ, cho dù Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp có những mối quan tâm, lợi ích khác nhau, nhưng cùng chung mục tiêu là mong muốn thu hút thêm vốn đầu tư, đưa nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng 7% và cao hơn như trước đây, thúc đẩy tăng trưởng mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, người dân Việt Nam.
Trong các đề xuất kiến nghị của VBF, tỷ lệ đề xuất cũ khá nhiều, thưa ông?
Trong 18 tháng không thể đạt được tất cả các kết quả trong mọi lĩnh vực, mọi vấn đề mà chúng ta mong muốn.
Chúng tôi muốn đóng góp tích cực và có tính xây dựng với các đề xuất của mình theo nguyên tắc doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đều hài lòng để thúc đẩy thu hút vốn đầu tư đến Việt Nam.
Do vậy, với các vấn đề chúng tôi đã nêu, nếu năm nay không đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy để có thể được giải quyết vào năm sau, hoặc năm sau nữa. Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị thêm những vấn đề phát sinh để cùng tìm giải pháp phù hợp.
Khánh An