Ảnh minh hoạ của Duy Linh. |
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép báo cáo Quốc hội tiếp tục phân bổ vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Thừa uỷ quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình và một số nguồn vốn khác, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về vốn của Chương trình, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.
Kết quả, Thủ tướng đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương của Chương trình 2 đợt cho 223 nhiệm vụ, dự án với số vốn là 161.848,315 tỷ đồng.
Số vốn còn lại của Chương trình chưa phân bổ, giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 14.151,685 tỷ đồng.
Về số vốn này, trong phiên họp ngày 13/2/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục theo quy định của Nghị quyết 43, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/3/2023 theo quy định tại Khoản 10, Điều 2 Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, sau 31/3/2023 sẽ không tiếp tục phân bổ vốn của Chương trình.
Vì thế, có tiếp tục phân bổ nữa hay không cần được Quốc hội quyết định. Tại tờ trình mới. Chính phủ cho biết trong số vốn còn lại 14.151,685 có 280 tỷ đồng của 4 dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; 9.853 tỷ đồng cho 5 dự án thuộc ngành giao thông; 4.018,685 tỷ đồng cho 41 dự án thuộc lĩnh vực y tế.
Hiện tại, 13.369,468 tỷ đồng của 45 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
782,217 tỷ đồng không thực hiện phân bổ do không kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư, không phân bổ hết số vốn được thông báo.
Theo tờ trình, trong tổng số vốn còn lại chưa phân bổ các dự án thuộc lĩnh vực y tế chiếm 26,2%, giao thông chiếm 71,6% (trong đó có dự án đã được cử tri nhiều lần kiến nghị là Dự án Đường tránh phía Đông Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng trị), còn lại là dự án đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội.
Những dự án này, nếu được hoàn thành sẽ có ý nghĩa lớn đến việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình cũng như kế hoạch năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị. Do đó, cần tiếp tục bố trí vốn để đầu tư các nhiệm vụ, dự án, đưa vào khai thác, sử dụng theo tiến độ, mục tiêu đề ra; phát huy tối đa hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Vì thế, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép báo cáo Quốc hội giao Chính phủ giao kế hoạch vốn của Chương trình cho 45 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương với tổng số vốn là 13.369,468 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.
Đối với số vốn còn lại 782,217 tỷ đồng không thực hiện phân bổ do đến nay chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Dự kiến, nội dung nói trên sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 23 (từ 9-12/5).