Đây là quan điểm của TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Trường đại học Kinh tế Quốc dân).
TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Trường đại học Kinh tế Quốc dân). |
Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025 sẽ phải thực hiện các mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông cho rằng, ưu tiên lúc này của Chính phủ nên là gì?
Quan trọng nhất trong lúc này là mục tiêu phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. Với sự lan nhanh của biến chủng vi rút Delta, thì để phát triển kinh tế được, cần phải kiểm soát được dịch bệnh. Vì vậy, một số chỉ tiêu cụ thể như tốc độ tăng trưởng GDP cần được xem là mục tiêu để phấn đấu, hơn là một mục tiêu quan trọng phải đạt được.
Nhưng chính ưu tiên này cũng đang là thách thức của Chính phủ.
Thứ nhất, để kiểm soát dịch bệnh, cần nhanh chóng đạt được tốc độ tiêm chủng diện rộng. Nhìn vào con số thống kê về tiêm chủng, chúng ta đang chậm hơn, không chỉ so với các nền kinh tế chủ động nguồn cung vắc-xin, mà so với cả các nền kinh tế trong khu vực ASEAN. Thách thức về cả nguồn cung vắc-xin và việc triển khai tiêm lượng vắc-xin đã có.
Thứ hai, công tác phòng chống dịch bệnh nếu không hiệu quả, thì sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề.
Thực tế thời gian qua, nhiều bất cập phát sinh trong công tác phòng chống bệnh dịch đã xuất hiện, như bất cập tại các điểm khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp thiếu thống nhất giữa các địa phương…
Nếu địa phương tự quyết, thì với trách nhiệm của mình, họ sẽ đưa ra các giải pháp để tối thiểu hóa rủi ro cho địa phương, nhưng cũng vì vậy mà tổn hại cho nền kinh tế sẽ bị đẩy lên.
Ví dụ, Hải Phòng yêu cầu những người đi về/đi qua Hà Nội phải cách ly y tế tập trung, chỉ xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể nếu có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR do các cơ sở được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19 tại Hà Nội. Với yêu cầu này, các doanh nghiệp sẽ ứng xử thế nào để được xem xét là không dễ và vì vậy chi phí thực thi sẽ đội lên.
Đó là chưa kể, yêu cầu lái xe phải test PCR không chỉ bất tiện, mà còn lãng phí, vì họ chỉ vận chuyển hàng hóa, tuân thủ các điều kiện giãn cách, không tiếp xúc với người khác... Trong bối cảnh hiện tại, nguồn lực xét nghiệm nên dành cho những đối tượng, khu vực cần thiết hơn.
Điều quan trọng hơn cả là, cảng Hải Phòng không phải của Hải Phòng mà của cả nước, không thể để đứt gãy đường ra cảng của hàng hóa, xe cộ. Đây là lý do chúng ta cần có chiến lược tổng thể, thống nhất cho các tình huống, để các địa phương có cơ sở thực thi, phối hợp với các địa phương khác.
Chính phủ, các bộ, ngành phải có hướng dẫn cụ thể và yêu cầu các địa phương thực hiện thống nhất, chấm dứt tình trạng điều hành không nhất quán giữa các địa phương. Luồng xanh cho hàng hóa chỉ có thể thông, nếu các địa phương tuân thủ một cách thống nhất. Sự thiếu hụt hàng hóa ở TP.HCM những ngày đầu thực hiện giãn cách là một ví dụ của sự thiếu phối hợp trong tổ chức thực hiện. Cũng đừng trách người dân tích trữ lương thực, vì họ nhìn thấy sự đứt gãy này.
Với những khó khăn mà đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư đang gây ra, kinh tế vĩ mô có vấn đề gì đáng lo ngại không, thưa ông?
Ngoài việc đứt gãy lưu thông, sản xuất hàng hóa do các hoạt động phòng chống dịch, theo tôi, kinh tế vĩ mô không phát sinh vấn đề mới, bên cạnh các vấn đề cố hữu. Thậm chí, so với một năm trước, tình hình thế giới đã thuận hơn khi các nền kinh tế đối tác đầu tư, đối tác thương mại của Việt Nam đã bắt đầu hồi phục. Tôi tin là tình hình sẽ còn tốt hơn với chiến lược tiêm chủng rộng rãi.
Tuy nhiên, trong nước thì khó khăn hơn, rủi ro hơn so với một năm trước. Theo tôi, lúc này, Chính phủ cần lưu tâm các chính sách điều hành để kiểm soát tốt lạm phát. Chi phí sản xuất đang tăng mạnh. Tính đến tháng 6/2021, giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 38,25% so với cách đây một năm. Trong đó, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 68,58%, giá nguyên liệu nông nghiệp thô tăng 28,44%, giá nhiên liệu tăng 108,28%...
Trong nước, giá thuê đất tại các khu công nghiệp đang tăng nhanh. Trong quý II/2021, trung bình giá thuê đất tại khu công nghiệp thuộc các tỉnh phía Bắc là 107 USD/m2, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái; giá tại các tỉnh phía Nam là 111 USD/m2, tăng 8,2%. Việc tăng giá này sẽ dần được chuyển vào giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm, tạo áp lực cho lạm phát.
Bên cạnh đó, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng chống bệnh dịch, cũng như nhu cầu hồi phục khi dịch bệnh được khống chế sẽ tác động đến lạm phát. Khống chế lạm phát ở mức thấp để có dư địa cho lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng.
Vì vậy, dù nợ xấu tiềm ẩn rất có thể mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng, nhưng các biện pháp kiểm soát rủi ro cần ở mức vừa phải. Đó là thách thức của Chính phủ trong điều hành chính sách tiền tệ.
Với chính sách tài khóa, tôi đề nghị thực hiện các gói tài khóa tập trung vào cung cấp trang thiết bị y tế, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động mất việc, hỗ trợ kế sinh nhai cho người đân khu vực phi chính thức đang gặp khó khăn. Có thể phải chấp nhận thất thoát một chút do có thể có những người ở ranh giới điều kiện được hưởng hỗ trợ, nhưng miễn là không xảy ra tham nhũng, sai phạm ở tổ chức thực thi, thì cũng nên làm nhanh, để kịp hỗ trợ ngay người dân đang rất khó khăn.
Các dự án đầu công trong các dự án hạ tầng cấp quốc gia cũng cần có giải pháp đẩy nhanh.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!