Y tế - Sức khỏe
Đề xuất điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế
Dương Ngân - 10/03/2024 15:16
Bộ Y tế đang đề xuất điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong từng giai đoạn.
Đề xuất mở rộng phạm vi được hưởng, mức hưởng bảo hiểm y tế nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Thêm quyền lợi cho người dân

Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về phạm vi được hưởng, mức hưởng BHYT và điều chỉnh tỷ lệ chi trả BHYT đối với một số trường hợp không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Đề xuất trên nhằm mục tiêu từng bước cải thiện phạm vi quyền lợi BHYT theo hướng tăng tính chi phí hiệu quả và đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong từng giai đoạn, hạn chế tác động tiêu cực của chính sách thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT hiện nay, góp phần sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT.

Đồng thời, đề xuất cũng nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, góp phần giảm tỷ lệ chi tiền túi cho chăm sóc y tế của của người dân, qua đó tạo niềm tin và thu hút người dân tham gia BHYT.

Vừa qua, tại phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cần làm rõ danh mục các bệnh được khám, chữa bệnh tại từng cấp (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu) nhằm hạn chế việc vượt cấp chuyên môn kỹ thuật, giảm quá tải cho tuyến trên. Đồng thời, đề nghị giải trình thêm các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ liên quan đến chuyển cấp khám bệnh, chữa bệnh, từ đó tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế.

Theo Bộ Y tế, giải pháp mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế mang lại giá trị kinh tế lớn, tiết kiệm chi cho Quỹ Bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá toàn diện tác động của chính sách thông tuyến (cả định tính và định lượng, tác động tích cực và tiêu cực) đến các cơ sở y tế của từng cấp, đến người tham gia BHYT, đến Quỹ BHYT, từ đó có phương án đề xuất phù hợp với mục tiêu phát triển hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo thực chất về chất lượng khám, chữa bệnh BHYT; nghiên cứu thêm các phương thức thanh toán BHYT phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.

Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự luật này, Bộ Y tế đề xuất ưu tiên mở rộng chi trả BHYT bao gồm các bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C và B…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh có chuyên khoa thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn, hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức hưởng quy định.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất quy định mức hưởng BHYT 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, phân cấp chuyên môn kỹ thuật liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đề xuất này giúp người dân tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh, chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám, chữa bệnh vượt cấp.

Tiết kiệm hàng tỷ đồng cho điều trị

Theo Bộ Y tế, giải pháp mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT mang lại giá trị kinh tế lớn, tiết kiệm chi cho Quỹ BHYT. Người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm chi phí điều trị bệnh ở giai đoạn muộn, vì khi bệnh nặng kèm theo các biến chứng sẽ phải sử dụng thuốc phát minh, đặc trị, các kỹ thuật chẩn đoán, cận lâm sàng có chi phí cao.

Việc chẩn đoán và điều trị sớm còn giúp tiết kiệm ngân sách chi cho hoạt động phòng bệnh và chi phí để giải quyết các vấn đề sức khỏe, xã hội.

Đối với người dân, giải pháp mở rộng chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân nhờ phát hiện và điều trị sớm, giúp tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại, tạm trú so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả của người bệnh.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi suy dinh dưỡng cấp tính nặng, việc thanh toán BHYT cho chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế, do người bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính bị suy giảm khả năng lao động trong tương lai.

Theo thống kê, năm 2023, chi phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ BHYT là 6.186 tỷ đồng.

Riêng với bệnh đái tháo đường type 2, năm 2023, có hơn 15.500.000 lượt khám, chữa bệnh với chi phí lên đến 6.766 tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng chi của Quỹ. Còn với bệnh tăng huyết áp, năm 2023, có gần 23 triệu lượt khám, chữa bệnh với chi phí 6.015 tỷ đồng, chiếm 4,9% tổng chi của quỹ.

Bộ Y tế cho rằng, nếu sàng lọc tiểu đường type 2 sẽ tiết kiệm được cho Quỹ BHYT trung bình 162,3 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai. Sau 10 năm triển khai, sẽ tiết kiệm được trung bình 162 tỷ đồng/năm.

Với sàng lọc tăng huyết áp, chi phí cần chi trả trung bình là 88 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai sàng lọc cho người từ 18 tuổi trở lên. Sau 10 năm triển khai, sẽ tiết kiệm được trung bình 1.216 tỷ đồng/năm.

Với sàng lọc ung thư vú, Bộ Y tế cho biết, mức chi trả trung bình 2.100 - 5.000 tỷ đồng/năm tùy thuộc phương pháp sàng lọc. Tuy nhiên, chi phí này sẽ giảm đi đáng kể nếu giới hạn nhóm tuổi phụ nữ được sàng lọc.

Tin liên quan
Tin khác