Thời sự
Đề xuất giảm 50% thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu
Thế Hải - 24/09/2022 09:09
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng, dầu.
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt,  50% thuế VAT với xăng dầu.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng, dầu.

"Trong điều kiện thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã giảm xuống mức sàn trong khung thuế, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng đã điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10%, Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, cần thiết phải trình Quốc hội có quyết nghị giao UBTVQH quyết định việc giảm thuế", Bộ Tài chính cho biết.

Theo đó, Bộ này đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Thời gian giảm thuế dự kiến trong 6 tháng từ lúc Nghị quyết có hiệu lực

Giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng các loại như sau:

Xăng: Giảm từ mức 10% xuống 5%;

Xăng E5: Giảm từ mức 8% xuống 4%;

Xăng E10: Giảm từ mức 7% xuống 3,5% làm tròn xuống là 3%.

Giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng (từ mức thuế suất 10% xuống 5%) đối với mặt hàng: Xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.

Nếu 2 loại thuế này giảm từ 1/11/2022, dự kiến giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,15%. Tuy nhiên tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành.

Đánh giá tác động của dự thảo nghị quyết, với phương án giảm thuế nêu trên, thời gian áp dụng 6 tháng, với mức giá dầu thô dự kiến 100 USD/thùng, Bộ Tài chính dự tính số giảm thu ngân sách nhà nước của 2 sắc thuế này khoảng 2.031 tỷ đồng/tháng (trong đó: giảm thu thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 711 tỷ đồng/tháng, giảm thu do giảm thuế VAT khoảng 1.320 tỷ đồng/tháng).

Với phương án đề xuất nêu trên và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 12/9/2022, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 13,35% đối với xăng E5RON92, khoảng 15,61% đối với xăng RON95 và khoảng 7,18% đối với dầu diesel.

Nếu thời gian thực hiện giảm 2 loại thuế này trong vòng 6 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước giảm 12.186 tỷ đồng. Tổng giảm thu ngân sách do việc giảm thuế bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt và VAT vào khoảng  45.642 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế TTĐB không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.


Tin liên quan
Tin khác