Doanh nghiệp
Đề xuất giảm phí sử dụng đường bộ cho 805.000 xe ô tô kinh doanh vận tải
Anh Minh - 05/05/2020 20:54
Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét miễn giảm phí sử dụng đường bộ cho chủ các xe ô tô kinh doanh vận tải trong tháng 3, 4, 5/2020.
Kiểm tra thân nhiệt người đi xe khách vào Quảng Ninh tại Chốt kiểm soát cầu Bạch Đằng.

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét giảm phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện cho các xe ô tô kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch VATA cho biết, ngoài 21 ngày phải dừng toàn bộ hoạt động theo Chỉ thị 16/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 3 và thời gian còn lại của tháng 4/2020, các phương tiện vận tải khách bằng ô tô như xe buýt, xe tuyến cố định, xe taxi cũng chỉ được phép chở không quá 50% số ghế, tối đa không quá 15 người. Thực tế, qua số liệu của các bến xe, báo cáo của các hiệp hội xe buýt, taxi, số lượng khách đi lại rất ít, doanh thu chỉ đạt 10% - 20% so với lúc bình thường.

Đối với vận tải hàng hóa tuy không bị hạn chế trong thời gian diễn ra dịch Covid – 19 nhưng do hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ nên các nguồn hàng bị gián đoạn. Ước tính của VATA cho thấy, các phương tiện nhỏ, trọng tải dưới 5 tấn giảm hoạt động khoảng 30%; các phương tiện trọng tải lớn, đặc biệt là các xe đầu kéo sơ mi rơ mooc giảm hoạt động 30%- 40%.

Với những lý do nói trên, VATA đề nghị giảm phí sử dụng đường bộ cho các phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các đơn vị có đăng ký kinh doanh, phương tiện được các Sở GTVT cấp phù hiệu với tổng cộng 805.000 xe trong thời gian 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5.

Đối với phương tiện kinh doanh vận tải khách, VATA kiến nghị giảm 100% cho 21 ngày đầu tháng 4/2020 và giảm 50% cho 7 ngày còn lại của tháng 4 và tháng 3, tháng 5/2020.

Đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, mức giảm được kiến nghị là 20% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn; giảm 30% đối với các xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên, xe đầu kéo sơ mi rơ mooc.

Được biết, phí sử dụng đường bộ là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước. Mức thu phí sử dụng đường bộ phụ thuộc vào từng loại phương tiện. Người nộp phí sử dụng đường bộ có thể nộp theo chu kỳ đăng kiểm, theo năm hoặc theo tháng.

Mặc dù có sự khác biệt về số liệu (số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thông qua hệ thống TBGSHT cho thấy hiện tại có khoảng 20.415 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và 310.775 phương tiện cùng với 520 bến xe khách liên tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid – 19 nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành cho rằng, mặc dù phương tiện không hoạt động trong thời gian dịch Covid-19, tuy nhiên, theo các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các phương tiện này vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ; phí đăng kiểm xe cơ giới; cước phí sử dụng thiết bị giám sát hành trình; phí đậu, đỗ đón khách tại sân bay, nhà ga; giá dịch vụ xe ra, vào bến xe và phí sử dụng vé tháng khi qua các trạm phí BOT.

Trong hoạt động vận tải bằng ô tô thì vận tải hành khách thiệt hại lớn nhất do dịch Covid-19 bởi phải dừng toàn bộ hoạt động, từ taxi, xe khách liên tỉnh, xe buýt, xe phục vụ du lịch và xe hợp đồng kể từ ngày 01/4/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, từ sau Tết Canh Tý 2020, ngay khi có dịch Covid-19 thì lượng khách đã sụt giảm rất nhiều, trong khi các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôt ô vẫn phải triển khai các biện pháp phòng dịch cho hành khách, như phát khẩu trang miễn phí, khử trùng phương tiện…

Dự kiến, phải 1 - 2 tháng nữa thì các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô  mới có thể hoạt động trở lại bình thường. Có thể nói, hiện hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng vạn hộ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô đang rất khó khăn, với khoảng 310.775 chiếc xe hoạt động cầm chừng, cùng với đó là hơn nửa triệu người lao động bị ảnh hưởng cuộc sống do giảm và mất thu nhập.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam lo ngại, nếu dịch bệnh kéo dài thì chắc chắn nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô sẽ phải phá sản, bởi không hoạt động thì vừa không có nguồn thu để trả lương, trả lãi ngân hàng, mà còn phải chịu rất nhiều chi phí khác như tiền thuê văn phòng, bãi đỗ xe, bảo dưỡng phương tiện… Đặc biệt, nhiều người lao động chuyển sang làm việc khác để kiếm sống sẽ không quay lại, nên các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô sẽ phải đối mặt với khó khăn về tuyển dụng, đào tạo lao động sau khi hết dịch.

Tin liên quan
Tin khác