Những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng kinh tế mới
GS. Niall Ferguson, người được Tạp chí Time đưa vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2004, dựa trên sự tương đồng giữa tình hình thế giới hiện nay và trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, đã đưa ra dự báo rằng, một cuộc khủng hoảng kinh tế mới sắp xảy ra.
“Tình hình hiện tại có nhiều dấu hiệu gợi nhớ đến những giai đoạn tiền khủng hoảng”, ông Niall Ferguson nói.
Việc Mỹ đơn phương đánh thuế nhập khẩu thép đã tác động không nhỏ đến các nước xuất khẩu sản phẩm này. Ảnh: Đức Thanh |
GS. Kenneth Rogof, nguyên Trưởng cố vấn kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, đã 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giờ đây, nền kinh tế bắt đầu có sự tăng trưởng; thế giới có thể sẽ tiếp tục chứng kiến một cuộc khủng hoảng kinh tế nữa và lần này bắt đầu từ Trung Quốc.
"Trung Quốc là quốc gia ở tốp đầu dễ trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo... Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục có những bất ổn lớn vì nước này phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư, đặc biệt là sự phụ thuộc rất lớn vào các khoản vay. Nếu có bất kỳ khó khăn nào về tài chính ở Trung Quốc, thì đó là sự suy giảm tăng trưởng tín dụng, nên nguy cơ khủng hoảng sẽ cao... Nếu Trung Quốc phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng tài chính riêng, nó có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng tăng trưởng và từ đó dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn hơn", ông Kenneth Rogof nói.
Theo nguồn tin của kênh CNBC, năm 2018, Trung Quốc không đặt nặng vấn đề tăng trưởng cao nhằm ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra. Tuy vậy, nhiều chuyên gia quốc tế đã tỏ ra nghi ngờ về khả năng giảm nợ công và giảm nguồn cung tiền ra thị trường của Trung Quốc, vì nếu giảm những đòn bẩy kinh tế này, thì Trung Quốc có thể đối mặt với tăng trưởng thấp và có nguy cơ phá vỡ toàn bộ nền kinh tế.
Tại Hội nghị quốc tế về bảo hiểm tiền gửi diễn ra ngày 16/2/2018, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda đã cảnh báo về nhược điểm của chính sách nới lỏng tiền tệ mà các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang theo đuổi, vì lãi suất thấp của các tổ chức tài chính hiện nay có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 diễn ra từ ngày 24 đến 26/5/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra cảnh báo về cuộc khủng hoảng kinh tế mới do chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng và các quy định về thương mại toàn cầu đang dần suy yếu, đồng thời lên án một số nước sử dụng các biện pháp trừng phạt như một phần trong chính sách kinh tế.
Tổng thống Nga nhấn mạnh, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và việc dựng hàng rào thương mại tuy mới bắt đầu, song đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và công ty. Ông cho rằng, thế giới cần một bầu không khí hòa bình cho môi trường thương mại, chứ không phải chiến tranh thương mại.
Chu kỳ khủng hoảng kinh tế có diễn ra vào cuối năm 2018 và năm 2019 hay không là câu chuyện chưa có hồi kết, song cảnh giác đề phòng và chủ động xử lý mọi tình huống trong một thế giới bất định là vấn đề chung của các quốc gia.
Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lại gia tăng
Khác với năm 2008, cuộc khủng hoảnh tài chính có thể xảy ra lần này gắn liền với sự tái hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại Mỹ và một số cường quốc khác, cũng như cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang trở thành xu hướng chủ đạo của thương mại và đầu tư, thì hoạt động chống toàn cầu hóa và bảo hộ mậu dịch lại gia tăng.
Tại Mỹ, một trong các hành động lập pháp đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ngừng đàm phán thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) với EU, áp đặt thuế nhập khẩu khá cao đối với sản phẩm của nhiều nước; đặt ra yêu sách đòi Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách mở cửa thị trường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.
Tại EU, có vẻ như xu hướng tự do thương mại và bảo hộ mậu dịch đang diễn ra khá cân bằng ở các nước lớn.
Hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua là Francois Hollande và Nicolas Sarkozy đã hùng biện về bảo hộ mậu dịch nhằm thu hút 80% cử tri là những người chống toàn cầu hóa. Tổng thống Fr. Hollande chủ trương hỗ trợ tài chính cho các nhà xuất khẩu sản phẩm của Pháp.
Nước Anh đã quyết định rời khỏi EU và đang tiến hành đàm phán lại toàn bộ những quy chế thương mại với châu Âu.
Trung Quốc, cường quốc kinh tế số 2 thế giới đang theo đuổi một chính sách giảm nhập khẩu mạnh mẽ bằng nhiều biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu càng nhiều càng tốt.
Trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là “con dao hai lưỡi”, không có “bên thắng cuộc”. Điển hình là cuộc đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc đang được cả thế giới theo dõi, có thể gây ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Theo nhiều nhà phân tích, cả hai bên đều chịu hậu quả khó lường và cuộc chiến này cũng tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận định: “Bảo hộ mậu dịch có nghĩa là đang chống lại quá trình toàn cầu hóa. Các quốc gia theo xu hướng này không chỉ muốn tránh toàn cầu hóa, mà còn muốn đi ngược lại quá trình tất yếu này”.
Với nhận định rằng, bảo hộ mậu dịch chỉ "đẩy thế giới vào tình trạng tồi tệ", Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh, các nước tham gia Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) "sẽ đẩy lùi xu hướng chống thương mại tự do trong tiến trình toàn cầu hóa".
Đứng trước chủ trương của Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu khá cao đối với một số mặt hàng, như 25% với thép, 10% với nhôm, các nước đã và đang có phản ứng khá gay gắt.
Nước Anh "thất vọng sâu sắc" bởi quyết định của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker coi đó là một "ngày tồi tệ với thương mại thế giới". Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng, thuế quan này là "vô lý và nguy hiểm”, đồng thời tuyên bố: “EU sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết" để đáp trả nếu Mỹ áp đặt thuế bảo hộ.
Ông cho biết: "Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền Mỹ, vào việc họ có muốn tham gia vào một cuộc xung đột thương mại với đối tác lớn nhất của họ là châu Âu hay không".
Trung Quốc đã và sẵn sàng đưa ra các biện pháp trả đũa đối với Mỹ nếu phía Mỹ tiếp tục “hành động nhiều hơn là một giọng điệu mạnh mẽ, để có thể thay đổi mối quan hệ quá phức tạp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới”, như tuyên bố của Tổng thống Mỹ.
Một số nhà phân tích cho rằng, những quyết định “xoay như chong chóng” của Tổng thống Donald Trump khiến các đồng minh của Washington cũng cảm thấy khó hiểu và tìm đối tác mới. Chẳng hạn, Nhật Bản đã tổ chức cuộc đàm phán thương mại đầu tiên với Trung Quốc trong vòng 8 năm qua để đối phó với mối đe dọa từ quyết định áp thuế của Mỹ.
Nhiều chính khách Mỹ đã biểu thị sự không đồng tình với Tổng thống Trump. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan tuyên bố: "Tôi không đồng tình với quyết định này. Có những cách tốt hơn để hỗ trợ người lao động và người tiêu dùng ở Mỹ”.
Thượng nghị sĩ Kevin Brady thì cho rằng, hành động này khiến những người lao động và gia đình Mỹ gặp rủi ro, bởi công việc của họ phụ thuộc vào các sản phẩm thương mại công bằng từ các đối tác thương mại quan trọng đó.
Với việc đánh thuế với Canada và Mexico, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ben Sasse đánh giá: "Điều này thật ngu ngốc. Châu Âu, Canada và Mexico không phải là Trung Quốc và bạn không thể đối xử với đồng minh theo cách bạn đối xử với đối thủ".
Dự tính, nếu Mỹ tăng thuế quan lên 20% đối với hàng nhập khẩu từ các nước, thì xuất khẩu của nước này sang hầu hết các quốc gia sẽ giảm 40 - 50%.
Theo nghiên cứu của Viện Bertelsmann, trong trường hợp xấu nhất do tác động của chính sách bảo hộ mậu dịch, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Mỹ sẽ giảm 2,3%, thu nhập bình quân đầu người giảm 1.300 USD/năm trong dài hạn; ở Canada, các chỉ tiêu tương ứng giảm 3,85% và 1.800 USD/người; và ở Đức giảm 0,4% và 160 USD/người.
IMF chứng minh rằng, toàn cầu hóa đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng kinh tế thế giới, làm cho hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo ở các nước đang phát triển.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ, thì mỗi năm, các nước đang phát triển có thể tăng thêm thu nhập 142 tỷ USD.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển bị chậm lại khoảng 1,2%.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao chủ nghĩa bảo hộ lại đang có dấu hiệu trở lại rõ rệt và ở một phạm vi rộng lớn hơn bao giờ hết (?).
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, dường như một số nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không còn đặt niềm tin vào hiệu quả của tự do thương mại nữa. Tuy vậy, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch hiện nay mang tính đối phó với quan hệ thương mại giữa các nước, tùy thuộc vào cách tiếp cận của các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ, hoặc thủ tướng chính phủ đại diện cho đảng cầm quyền, có thể kéo dài 4 - 5 năm.
Thương mại tự do và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng chủ đạo của thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và cách mạng 4.0.
(Còn tiếp)