- Manh nha rủi ro, nền kinh tế cần đối sách kịp thời
- Tìm động lực tăng trưởng kinh tế: Ôm đồm quá nhiều việc, cả nền kinh tế chịu thiệt
- WB: Căng thẳng thương mại có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng như năm 2008
- Lo ngại lặp lại cuộc đại suy thoái 1930, hơn 1.100 nhà kinh tế cảnh báo Trump về chính sách bảo hộ thương mại
Lần đầu tiên, câu chuyện trên được nhấn mạnh vào khoảng 2 tháng trước, khi Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trong một cuộc họp bàn về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng, cho rằng, đã đến lúc phải quan tâm đến yếu tố chu kỳ của nền kinh tế, bởi thông thường, sau một giai đoạn tăng trưởng cao, nền kinh tế sẽ chững lại.
. |
Cuối tuần qua, một lần nữa câu chuyện này được nhắc tới, khi tại cuộc hội thảo về chủ đề “Củng cố và tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt hàng các chuyên gia về chủ đề này.
Có lẽ, câu chuyện ở đây không chỉ là “chu kỳ kinh tế” của Việt Nam, mà là của kinh tế thế giới.
Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã gây hệ lụy không nhỏ với không riêng châu Á, mà với nhiều thị trường lớn trên thế giới. Năm 2007, khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu ở Mỹ, rồi lan rộng sang châu Âu, châu Á và ảnh hưởng xấu tới thế giới. Đến tận bây giờ, sau 10 năm, “bóng ma khủng hoảng” vẫn chưa thôi ám ảnh kinh tế toàn cầu.
Liệu năm 2018, chu kỳ 10 năm có lặp lại? Đầu năm nay, chính Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng, cuộc vui nào rồi cũng kết thúc, rằng năm 2018 sẽ là năm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng gần như với toàn bộ tiềm năng, nhưng tình hình “chỉ kéo dài trong vài năm tới”. Sau đó, sẽ đến giai đoạn “hạ nhiệt”, thậm chí suy thoái một khi các biện pháp kích thích tăng trưởng, như hạ lãi suất gần như bằng 0 và nới lỏng định lượng… bắt đầu giảm hiệu quả.
Trong báo cáo cập nhật cách đây ít ngày, WB một lần nữa khẳng định rằng, dù năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đạt mức cao (khoảng 3,1%), nhưng sẽ giảm dần trong 2 năm tới do tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển bị suy giảm, tốc độ hồi phục tại các nền kinh tế mới nổi và xuất khẩu nguyên vật liệu đi dần theo chiều ngang.
Song điều quan trọng, theo WB, là thị trường tài chính có khả năng sẽ bất ổn hơn, mức độ ảnh hưởng của chúng lên các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển cũng tăng lên. Kéo theo đó là sự gia tăng tâm lý bảo hộ mậu dịch, cùng những bất ổn chính sách và rủi ro địa - chính trị.
Trong bối cảnh như vậy, kinh tế Việt Nam hẳn nhiên sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nếu như năm 1997, Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi khủng hoảng tài chính châu Á, thì năm 2007, tình hình đã khác hơn. Đến nay, nếu diễn ra “chu kỳ khủng hoảng 10 năm”, thì tất yếu, tác động sẽ khá nặng nề bởi qua thời gian, độ mở của nền kinh tế ngày càng rộng. Minh chứng là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế hiện bằng 193% GDP của Việt Nam và nước ta đang trong top đầu các nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới.
Chính vì vậy, dù tăng trưởng kinh tế đang ở mức cao, song Việt Nam vẫn cần cẩn trọng, thậm chí cần tầm nhìn xa, dự báo cả giai đoạn 2019 - 2020 để sớm chuẩn bị các phương án ứng phó.
Một thông tin rất đáng chú ý, đó là lo ngại trước chu kỳ khủng hoảng 10 năm, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công thương… xây dựng báo cáo đánh giá rõ những rủi ro, thách thức Việt Nam phải đối mặt từ nay tới năm 2020 và những năm tiếp theo. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tại cuộc hội thảo cuối tuần qua, cũng “đặt hàng” các chuyên gia đưa ra hàng loạt lời giải cho nhiều vấn đề cốt lõi của nền kinh tế, trong đó có chuyện “chu kỳ khủng hoảng 10 năm”.
Một cách hành xử hoàn toàn đúng đắn, góp phần giúp Việt Nam có những phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp và hiệu quả một khi thực sự xảy ra chu kỳ khủng hoảng. Điều này sẽ đảm bảo để nền kinh tế Việt Nam có bước phát triển cao và bền vững, tránh được các cú sốc bên ngoài, trong giai đoạn tới.