Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương vừa có cuộc họp về phương án xử lý Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên (TISCO 2) và Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM) tại tỉnh Lào Cai.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái họp với các bộ. ngành về dự án VTM và TISCO2 |
Góp ý với phương án của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất, các thành viên Ban Chỉ đạo, cũng như tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Lào Cai cho rằng: Dự án VTM liên doanh giữa 3 bên, hoạt động không hiệu quả, công nghệ không đồng bộ,...
Về cơ cấu sở hữu, phía Việt Nam cũng chỉ sở hữu 46% (sở hữu dưới 50% nên không phải là doanh nghiệp nhà nước), cổ đông nhà nước không nắm vai trò quyết định mà các quyết định của VTM dựa trên sự đồng thuận của cả 3 bên,…
Do đó, các thành viên đề xuất cấp có thẩm quyền chuyển dự án này ra khỏi danh sách xử lý các dự án yếu kém để các bên tham gia liên doanh quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật về kinh tế, đầu tư,...
Đối với dự án TISCO 2, các ý kiến cho rằng vướng mắc nhất hiện nay là xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến hợp đồng EPC. Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng là rất rủi ro. Và khi đã không thể hoàn thiện được hợp đồng thì chỉ còn cách "kết thúc trong trạng thái dở dang". Đây cũng là giải pháp hợp lý nhất, "ít mất mát nhất".
Dự án TISCO2 vẫn chờ đợi các giải pháp |
Các ý kiến cũng cho rằng nên sử dụng cơ chế thỏa thuận, thống nhất với phía đối tác về phương án kết thúc hợp đồng; xây dựng các kịch bản thực hiện thỏa thuận; làm rõ các vướng mắc và căn cứ đề xuất cơ chế đặc thù… để báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương, trên cơ sở đó mới xử lý dứt điểm được dự án này.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho hay, xử lý 12 dự án của ngành Công Thương là việc rất khó. Chính phủ rất quan tâm. Bộ Chính trị cũng đã có 3 văn bản chỉ đạo. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng các bộ ngành và doanh nghiệp cũng đã rất tích cực xử lý, nhưng vì vấn đề tồn tại đã lâu, nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Còn lại Dự án TISCO 2 và Dự án VTM là khó nhất, cần nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá. Với việc các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo cùng đại diện tỉnh Thái Nguyên và Lào Cai đã cho ý kiến cụ thể, Phó thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn tiếp thu, hoàn thiện phương án trình Thường trực Chính phủ trước ngày 22/10/2023.
Đối với Dự án VTM, cơ bản các ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất theo hướng "giao lại cho Tổng công ty Thép Việt Nam, với phần vốn chủ sở hữu 46%, căn cứ theo quy định của pháp luật và thẩm quyền đề tham gia cơ cấu lại dự án".
Tổng công ty Thép Việt Nam có 46% vốn tại đây sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật và thẩm quyền đề tham gia cơ cấu lại dự án |
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phân tích rõ các nội dung liên quan đến thực tiễn triển khai dự án, làm rõ quan điểm, khó khăn, vướng mắc và căn cứ pháp luật để trình phương án đảm bảo khả thi, rõ ràng về trách nhiệm, cũng như tính toán các khả năng có thể xảy ra để có biện pháp phù hợp.
Đối với dự án TISCO 2, vấn đề hiện nay là vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC trước rồi mới đề xuất các nội dung tiếp theo.
Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền cho chủ trương giải quyết theo hướng thỏa thuận với đối tác để đi đến thanh lý hợp đồng EPC.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, làm rõ các nguyên tắc, căn cứ, lý do đề xuất trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa và chia sẻ giữa các bên, hoàn thiện phương án thực sự thuyết phục, bảo đảm "trình là xong". Đồng thời cũng phải làm rõ các phương án xử lý tiếp theo nếu chủ trương được các cấp có thẩm quyền chấp thuận.