Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày tờ trình dự án luật. |
Một luật sửa 8 luật
Sáng 3/12 Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã họp mở rộng thẩm tra dự án một luật sửa 8 luật.
8 luật gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh tại kỳ họp thứ hai vừa qua, Quốc hội đã đưa ra các gợi mở cải cách thể chế, bởi khơi thông nguồn lực này là giải quyết được các khó khăn, vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Từ yêu cầu cầu thực tiễn Chính phủ và Quốc hội đang nghiên cứu có kỳ họp bất thường để giải quyết vấn đề cấp bách, trong đó có một luật sửa một số luật, ông Thanh cho biết.
Trình bày tờ trình dự án luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu rõ, việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng chống, dịch bệnh Covid-19; cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường phân quyền trong đầu tư công
Về nội dung cơ bản của dự án Luật, liên quan đến Luật Đầu tư công, ông Hiếu cho biết Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4 Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Để đảm bảo các dự án đầu tư nhóm B và C được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn khi phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư công quy định Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) trong phạm vi tổng số kế hoạch vốn trung hạn được Quốc hội quyết định cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Chính phủ đề nghị giữ nguyên thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A như Luật Đầu tư công hiện hành (Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư) mà không phân quyền cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ông Hiếu cho biết.
Về Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nội dung sử đổi theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Dự án nhà ở sẽ "dễ thở" hơn
Liên quan đến Luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 để thực hiện phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng, đề xuất phân cấp nêu trên vẫn được xác định theo 01 trong 02 tiêu chí về quy mô dân số hoặc quy mô sử dụng đất, tương tự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư hiện hành, ông Hiếu thông tin.
Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 32 để phân quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhân là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Đồng thời, bổ sung điểm g vào khoản 3 Điều 33 quy định về nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư gồm “Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa (đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi khu vực bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 Luật này)”.
Theo quy định này, việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt sẽ phải tuân thủ các yêu cầu, điều kiện và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Quy định này tạo cơ chế để tăng cường giám sát, kiểm tra khi phân cấp, đảm bảo các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có ý kiến đối với dự án ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư nên sẽ khắc phục tình trạng hiện nay là các dự án đã triển khai mới xin ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, tăng cường giám sát, kiểm tra khi phân cấp.
Một điểm đáng chú ý nữa là lần này sẽ sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) theo hướng quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai; thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công: có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; (iii) có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.
Đồng thời, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, dự thảo Luật bổ sung quy định, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất một số chính sách mới liên quan đến Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự, Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin cụ thể trong các bài viết tiếp theo.