Thời sự
Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025
Mạnh Bôn - 25/05/2020 14:23
Tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2003-2010 đã thực hiện miễn 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2011-2016 khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sáng 25/5/2020

Cuối Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết Kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025, theo đó khoảng 98% đối tượng đang sử dụng đất nông nghiệp tiếp tục được miễn thuế.

Lực hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp 

Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện từ năm 2001 đến nay. Và  mỗi lần sửa đổi, bổ sung (năm 2010, năm 2016), đối tượng được miễn thuế lại được mở rộng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2003-2010 đã thực hiện miễn 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2011-2016 khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.  

Kết quả của chính sách ưu việt này là từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới.

”Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là giải pháp có tác động lớn, quan trọng, hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp phần khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn. Chính sách này còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Dũng nhấn mạnh tại Tờ trình Quốc hội Dự án Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được Quốc hội dành thời gian thảo luận vào ngày hôm nay.

Đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì vốn và đất đai là 2 nguồn lực quan trọng nhất. Nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp cận đất đai, trong thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. “Các chính sách này được đánh giá là có tác động tích cực, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cụ thể, đến  nay đã có trên 50.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, so với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp như hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính là còn khá ít, quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

“Theo đó, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các tổ chức trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả”, ông Dũng nhấn mạnh.

Lo ngại hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, để góp phần khuyến khích hơn nữa tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; góp phần khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, khuyến khích phát triển xây dựng cánh đồng mẫu lớn; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đạt năng suất, chất lượng cao thì cần thiết tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn tới.

“Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025”, Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ khẳng định.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp ngoài việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn góp phần giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết, khi thảo luận về vấn đề này, có ý kiến lo ngại, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai.

“Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận)”, ông Hải nêu thực tế việc “bờ xôi, ruộng mật” đã và đang bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích tại nhiều địa phương,  

“Cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai”, ông Hải đề nghị.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, có tình trạng đất nông nghiệp được giao cho hộ nông dân nhưng không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất.

“Tuy nhiên pháp luật về đất đai cũng chưa có khung pháp lý quy định thế nào là đất hoang hóa. Ngoài ra, việc để đất đai hoang hóa có nhiều nguyên nhân như thiên tai (hạn hán, thiếu nước), dịch bệnh, không có đầu ra, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thiếu hụt nguồn lao động, các rào cản trong quy định của pháp luật về đất đai nhằm tích tụ, tập trung ruộng đất,...; không phải do việc miễn thuế sử dungj đất nông nghiệp”, ông Dũng khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác