Đặc biệt, ngày 16/9/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống Đền Đồng Bằng (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Di tích lịch sử văn hóa Đền Đồng Bằng thường được gọi là đền Đức Vua cha Bát Hải, hay đền Đức Vua tọa lạc bên dòng sông cổ Mai Diêm, thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng, nay là thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Các bô lão thực hiện nghi lễ yên vị tại lễ hội Đền Đồng Bằng. |
Theo tập tục cổ truyền từ lâu, cứ đến dịp 20 tháng 8 âm lịch hằng năm, hàng nghìn, hàng vạn lượt khách từ mọi miền đất nước lại hội tụ về đây dâng hương tưởng nhớ Vĩnh Công Đại Vương, người có công lớn giúp Vua Hùng đánh giặc ngoại xâm dựng nước, khai lập ra 8 trang Đào Động xưa và đồng thời tưởng niệm ngày mất của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các vị tướng lĩnh nhà Trần.
Các bô lão thực hiện nghi lễ yên vị tại lễ hội Đền Đồng Bằng. |
Về kiến trúc Quần thể Đền Đồng Bằng là một quần thể di tích đồ sộ, bao gồm hàng chục đình đền, miếu chùa… cùng nằm trên địa phận xã An Lễ tạo thành một quần thể, mà trung tâm là Đền Đồng Bằng. Riêng ngôi đền chính đã là một công trình kiến trúc bề thế, nguy nga vào bậc nhất quốc gia, tọa lạc trên một khu đất cổ, cạnh quốc lộ số 10, soi bóng xuống dòng sông Diêm huyền thoại.
Toàn bộ khu đền chính rộng tới 20.500m2. Riêng diện tích nội tự là 6.000 m2, với tầng tầng lớp lớp các cung cửa, 13 tòa, 66 gian liên kết chung mái, chạm khắc tinh xảo, thâm thúy, choáng ngợp vàng son, uy nghi cổ kính, như một cung đình phong kiến thời thịnh trị.
Đông đảo khách thập phương đã về đền Đồng Bằng trước ngày lễ hội |
Thời Nhà Lý trong “Tứ cố danh thắng”: Đào Động – Lộng Khê – Tô Đê – A Sào, thì Đào Động được xếp đầu các danh thắng. Thời nhà Trần, khi đến tế lễ tại Đền Đồng Bằng, danh tướng Phạm Ngũ Lão đã có thơ vịnh hiện còn lưu giữ tại Đền : “Xuân nhật tảo di hoa ảnh động/ Thu phong viễn tống hạc thanh lai/ Lưu quang điện hạ thiên tùng thụ/ Quả cảnh thần tiên nhất thủ tài” ( Dịch nghĩa, Đền Đồng Bằng đứng đầu “cảnh sắc thần tiên” đất Việt ngày ấy).
Bằng Chứng nhận Lễ hội Đền Đồng Bằng được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. |
Trong phong tục tín ngưỡng, tâm linh, Đền Đồng Bằng là một ngôi đền bậc nhất. Vì thế, từ xa xưa trong dân gian đã lưu truyền những câu ca bất hủ về Lễ hội Vua cha Đền Đông Bằng: “Dù ai buôn xa, bán xa/ Hai mươi tháng tám giỗ cha thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Hai mươi tháng tám nhớ về Đào Thôn”.
Đã từ lâu, trong lộ trình tế lễ hằng năm thì Đền Đồng Bằng của Đức Vua Cha là địa danh được xếp hàng đầu “đi trình về tạ”của rất nhiều người.
Thi bơi trải, nét văn hóa đặc sắc trong lễ hội Đền Đồng Bằng. |
Với khách du lịch, nam thanh nữ tú, Đền Đồng Bằng như một viên ngọc quý giữa một vùng quê Thái Bình văn vật thanh bình , dạt dào sóng lúa, khí hậu trong lành, lòng người mến khách. Khách du lịch khi bước vào đền, tưởng như lạc vào nơi tiên cảnh hoặc chốn cung đình lộng lẫy vàng son, thâm nghiêm kỳ vĩ…, để rồi đến một lần là mãi mãi không quên.
Ban tổ chức Lễ hội cho biết, Lễ hội sẽ đón tiếp các đại biểu lãnh đạo Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh Thái Bình, huyện Quỳnh Phụ, huyện Thái Thuy cùng khách thập phương xa gần. Lễ rước bộ sẽ diễn ra từ 6h đến 7h30 gồm 6 đoàn đước từ đền thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Đồng Bằng: Đền Mẫu Sinh, Đền Quan Đệ Nhất, Đền Quan Đệ Nhị, Đền Quan Đệ Tam, Đền Quan Điều Thất, Đền Quan Đệ Bát. Tiếp đó sẽ long trọng đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội truyền thống Đền Đồng Bằng. Còn trước đó tối ngày 8- 10 tại sân Đền sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật “ Ca nhạc – Hài kịch” chào mừng với sự tham gia của đội múa Lân TP Hải Phòng, các ca sỹ, nghệ sỹ, Thanh đồng tên tuổi như Trà My, Lê Tâm, Phương Liên, Đặng Hồng Ánh, nghệ sỹ Nhà hát chèo Việt Nam, Vũ đoàn Sen Việt…
Tiếp đó cho đến hết ngày 11/10 sẽ diễn ra nhiều hoạt động như hát văn, tế Thánh, thi bơi trải truyền thống, cờ tướng, bóng chuyền, vật tự do và các trò chơi dân gian như kéo co, chọi gà…
Theo Ban tổ chức Lễ hội, Đền Đồng bằng đón khách thập phương quanh năm nhưng đông nhất là vào tháng lễ hội. Và năm nay lượng khách thập phương chắc chắn sẽ tăng nhiều bởi vì có thêm sự kiện Lễ hội Đồng Bằng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trò chuyện với nhiều khách thập phương trong những ngày trước lễ hội, ai cũng vô cùng phấn khởi.
Chính vì vậy, nhiều tháng qua ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của huyện lãnh đạo Quỳnh Phụ đã tích cực chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như công tác tổ chức. Đến nay mọi việc đã hoàn tất, sẵn sàng đảm bảo cho lễ đón di sản và lễ hội an toàn, trang trọng, văn minh xứng với một Di tích lịch sử văn hóa và một lễ hội Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.