| ||
Lãi suất cho vay đã giảm sâu, song rất khó tìm được doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để cho vay. |
Nói một cách công bằng, suốt 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất tích cực giảm lãi suất cho vay. Trần lãi suất huy động đã giảm từ 14%/năm (năm 2011) xuống 7,5%/năm hiện nay. Giảm lãi suất huy động - thiệt thì người gửi tiền tiết kiệm đã thấy rõ, còn lợi thì người vay chưa mấy ai được hưởng.
Mặc dù NHNN và các ngân hàng thương mại cho rằng, lãi suất cho vay đã giảm sâu, song rất khó tìm được doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để cho vay. Trên thực tế, một số khoản vay mới thuộc các lĩnh vực ưu tiên đang được ngân hàng cho vay với lãi suất 10-11%/năm, nhưng đây chỉ là những trường hợp cá biệt, dành cho doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện khắt khe. Còn đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải vay vốn với lãi suất 14-15%/năm, lãi suất các khoản vay cũ vẫn là 15-18%/năm, vay tiêu dùng phải trả lãi 18 - 20%/năm
Nghị quyết tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, ban hành ngày 4/4 vừa qua cũng yêu cầu ngành ngân hàng phải giảm lãi suất ngay trong đầu tháng 4/2013. Thống đốc NHNN cũng đã gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp ở hầu hết vùng, miền trong cả nước với cam kết tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Song dường như, các ngân hàng thương mại lại chuyển động rất chậm.
Lâu nay, NHNN xem việc áp dụng trần lãi suất huy động là cách gián tiếp tác động tới lãi suất cho vay, nhưng cách làm này dường như không mang lại hiệu quả. Bằng chứng là hơn 1 năm qua, lãi suất huy động giảm gần một nửa, trong khi lãi suất cho vay giảm rất nhỏ giọt. Lãi suất cao được ví là những liều thuốc độc, làm doanh nghiệp yếu dần, trong đó số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động ngày càng tăng là biểu hiện rõ nhất. Trong khi đó, có không ít ngân hàng lãi lớn vì huy động được vốn rẻ, cho vay với lãi suất cao do không bị áp trần cho vay.
Đành rằng, các ngân hàng áp lãi suất cho vay cao một phần vì tăng trưởng tín dụng khó khăn, một phần vì phải dự phòng rủi ro. Song có một thực tế là, ít có nước nào trên thế giới mà chênh lệch lãi suất huy động và cho vay lại cao 7-8% như Việt Nam.
Có thể thấy, việc khống chế trần lãi suất huy động, nhưng lại thả nổi lãi suất cho vay hiện nay chỉ có lợi cho một số ngân hàng. Trong khi đó, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là giảm lãi suất cho vay để cứu doanh nghiệp, khôi phục sản xuất lại không đạt được.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu vẫn áp dụng quản lý bằng biện pháp hành chính, thì cơ quan quản lý nên xem xét bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay. Việc khống chế trần cho vay khiến doanh nghiệp không phải chịu lãi suất cắt cổ, trong khi các ngân hàng cũng buộc phải cạnh tranh lành mạnh. Mức chênh lệch lãi suất 2,5-3% là phù hợp và lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên hiện nay nên là 9- 10%/năm. Với các lĩnh vực khác có thể nới rộng hơn, ở mức 12-13%/năm. Việc này vừa đảm bảo dòng vốn tiếp tục chảy vào các lĩnh vực ưu tiên, vừa đảm bảo mặt bằng lãi suất chung hợp lý để kích thích sản xuất, kích cầu tiêu dùng.
Việc áp trần lãi suất cho vay có thể không được các ngân hàng ủng hộ, song đã đến lúc phải thay đổi thói quen cho vay lãi suất cao và quen dần với tư duy cho vay lãi suất thấp. Điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, mà có thể giúp ngân hàng giảm rủi ro so với việc cho vay với lãi suất cao. Vấn đề quan trọng là ngân hàng phải giám sát thật tốt dòng tiền của doanh nghiệp sau khi vay vốn.
Hà Tâm