Theo ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam, đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện ô tô từ ASEAN sẽ về 0%. Tuy nhiên việc thực hiện theo chiến lược của Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển những dòng xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiên với môi trường lại khiến doanh nghiệp phải nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ nhiều khu vực ngoài ASEAN, với mức thuế suất thuế nhập khẩu hiện nay lên tới 30%. Như vậy, sẽ gây bất lợi cho sản xuất trong nước.
Để có thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu, Honda Việt Nam cũng đề nghị giảm thuế nhập khẩu các linh kiện ngoài khu vực ASEAN về 0%, bằng với mức thuế nhập khẩu linh kiện trong khu vực ASEAN, để sản xuất loại xe này.
Theo Bộ Tài chính, hiện tại, theo cam kết thuế trong khu vực ASEAN (ATIGA), hầu hết linh kiện ô tô phải xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm 2018. Còn cam kết trong khu vực ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), cơ bản các linh kiện ô tô sẽ phải cắt giảm thuế quan vào năm 2018, một số dòng xóa bỏ vào năm 2015.
Trong các Hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký với các đối tác, Việt Nam hiện bảo hộ nhóm mặt hàng này nên cơ bản sẽ thực hiện giống như cam kết WTO, với mức thuế 0-30% tùy theo chủng loại linh kiện.
Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Honda Việt Nam đề nghị, Chính phủ cần xây dựng cách tính thuế TTĐB có lợi cho phát triển ngành công nghiệp ô tô. Cụ thể, nên áp dụng cách tính thuế TTĐB theo giá CIF của bộ linh kiện cộng với thuế nhập khẩu.
“Cách tính này sẽ giúp doanh nghiệp nào nội địa hóa được nhiều thì giá trị thuế TTĐB cả xe càng giảm, có lợi cho doanh nghiệp và đồng thời thúc đẩy nội địa hóa cũng như ngành công nghiệp ô tô phát triển”. ông Tuấn nói.
Chia sẻ với báo Đầu tư điện tử cách đây ít ngày, ông Minoru Kato, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam cũng thừa nhận, đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%, với chi phí sản xuất hiện nay, xe lắp ráp không thể cạnh tranh với xe nhập khẩu. “Thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018 không phải là vấn đề của năm 2018 mà đã là vấn đề hiện nay, bởi muốn đưa ra xe mới cần 2-3 năm để chuẩn bị, nên đây là thời điểm cần đưa ra các quyết định đầu tư tiếp theo nên như thế nào”, ông Kato nói và cho hay, nếu tình hình hiện nay không có thay đổi, các nhà sản xuất trong nước buộc phải chuyển sang nhập khẩu thay vì sản xuất trong nước vì nhập khẩu từ Thái Lan hay Indonesia về rẻ hơn hăn. Dĩ nhiên đó là kịch bản xấu nhất.
Vị tổng giám đốc Honda Việt Nam cũng cho hay, cách tính thuế TTĐB mới mà Bộ Tài chính dự thảo hiện nay nếu ở góc độ người tiêu dùng thì không có lợi, nhưng doanh nghiệp cũng buộc phải ủng hộ cách tính mới. Nguyên do tới năm 2018, khi thuế nhập khẩu về 0%, sẽ không có cách nào để giảm khoảng cách giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.