Tập đoàn Đèo Cả tham gia "Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp 2022” tổ chức tại Đại học Giao thông vận tải TP.HCM. |
Trước chiến lược xây dựng và phát triển đường sắt - metro giai đoạn 2025 - 2035, đặc biệt là các tuyến metro của Hà Nội, TP.HCM và tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với Đại học GTVT TP.HCM để tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tăng tính thực tiễn trong đào tạo
Theo đó, Tập đoàn Đèo Cả và Đại học GTVT TP.HCM thống nhất thành lập Dự án đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng thực hành Đại học GTVT TP.HCM - Đèo Cả; cùng cử nhân sự tham gia xây dựng chương trình đào tạo, phương án tuyển chọn nhân sự, kế hoạch tổ chức đào tạo, tiêu chuẩn đánh giá đầu ra và tiếp nhận sau đào tạo.
Tập đoàn Đèo Cả đặt ra các tiêu chí về trình độ và chất lượng sau đào tạo để Đại học GTVT TP.HCM chọn lọc sinh viên, đồng thời cam kết chế độ đãi ngộ, tiếp nhận toàn bộ nhân lực theo số lượng và tiêu chuẩn đã được hai bên thống nhất.
Đối với các sinh viên năm 3 trở đi có nhu cầu chuyển chuyên ngành sang đường sắt - metro, nếu phát sinh chi phí đào tạo bổ sung, Tập đoàn Đèo Cả sẽ chi trả toàn bộ và tạo cơ hội thực tập kèm định mức hỗ trợ. Đặc biệt, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tài trợ học bổng, đài thọ các khóa học chuyên sâu ở nước ngoài đối với sinh viên xuất sắc.
Theo mô hình đặt hàng, Đại học GTVT TP.HCM thiết kế chương trình đào tạo riêng theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Đèo Cả và đào tạo gói nhân lực đường sắt cao tốc và metro riêng cho tập đoàn. Nội dung đào tạo gồm 30% lý thuyết và 70% thực địa tại công trình, dự án do Tập đoàn Đèo Cả thống nhất với Đại học GTVT TP.HCM.
Đối với mô hình đào tạo tại chỗ, Đại học GTVT TP.HCM thiết kế chương trình đào tạo theo hướng lý thuyết hóa và hệ thống hóa thực hành cho kỹ sư của Tập đoàn Đèo Cả, áp dụng đối với chuyên ngành công trình giao thông, cơ khí ô tô, tổ chức và quản lý vận hành
Để tăng cường tính thực tiễn trong đào tạo, Đại học GTVT TP.HCM thường xuyên cử sinh viên thực tập tại các đơn vị, công trường dự án của Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Đèo Cả sẽ bố trí cán bộ hướng dẫn, điều kiện thực tập như đi lại ăn ở cho sinh viên.
Cùng với xu hướng chuyển đổi số, Đại học GTVT TP.HCM và Tập đoàn Đèo Cả phối hợp tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học công nghệ, công nghệ số cho các hoạt động của Tập đoàn Đèo Cả trong lĩnh vực hạ tầng GTVT.
Không tăng học phí để hút sinh viên
Đại học GTVT TP.HCM là một trong những cơ sở đào tạo bậc đại học chuyên ngành GTVT uy tín nhất Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh nhu cầu lao động chất lượng cao trong lĩnh vực giao thông đang tăng nhanh, để thu hút sinh viên, trong những năm qua, Đại học GTVT TP.HCM đã quyết định không tăng học phí.
Đại diện Đại học GTVT TP.HCM cho biết, nhằm chia sẻ khó khăn với người học nên nhà trường không tăng học phí. Mức học phí 11,7 triệu đồng/năm học được trường duy trì suốt 4 năm qua. Nhiều giải pháp để đầu tư, tăng thu nhập cho cán bộ và giảng viên đã được nhà trường thực hiện.
Giải thích lý do vì sao trường không tăng học phí, ông Nguyễn Xuân Phương, hiệu trưởng Đại học GTVT TP.HCM chia sẻ: “Trong những năm qua, trường thực sự rất khó khăn trong việc xác định không tăng học phí. Bên cạnh chỉ đạo từ Chính phủ, chúng tôi cũng nhận thấy đó cũng là một phần trách nhiệm của trường với xã hội: đồng hành và chia sẻ khó khăn với người học”.
Được biết, Đại học GTVT TP.HCM cho biết, do đào tạo các ngành khá đặc thù, sinh viên chủ yếu đến từ các vùng quê, nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Trường khó khăn nhưng tìm cách thích ứng dần. Tăng học phí có thể khiến quyền tiếp cận đại học của sinh viên nghèo bị ảnh hưởng.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Xuân Phương cho rằng, việc trường không tăng học phí cũng xem như là trách nhiệm với cộng đồng, tạo điều kiện cho thí sinh khó khăn có thể tiếp cận đại học một cách bình đẳng. Sau khi tốt nghiệp, trong số đó sẽ có bạn quay về quê, góp phần cải thiện hạ tầng, phát triển kinh tế địa phương. Như vậy sẽ có thêm nhiều học sinh tiếp tục được học đại học.
Để tăng thu nhập cho giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất nhà trường đã phải co kéo, tiết kiệm để có thể có thêm thu nhập cho người lao động. Quản trị đại học tinh gọn hơn theo hướng kiện toàn bộ máy, chuyển đổi số giúp tiết giảm họp hành, giảm bớt giấy tờ và lao động gián tiếp, tiết kiệm thời gian và chi phí trong vận hành.
Ngoài ra, việc kết hợp đào tạo với doanh nghiệp giúp trường giảm chi phí chi trả cho giảng viên. Giảng viên ngoài lương cơ bản sẽ có thu nhập vượt giờ. Trường cố gắng để trả 130.000 đồng/tiết. Mức chi trả vượt giờ này gần bằng các trường tư thục và giúp thu nhập giảng viên tăng lên. Các đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cũng là một nguồn thu của trường tuy chưa đáng kể.
Để giải quyết bài toán đầu tư cơ sở vật chất, trên cơ sở đề xuất của Đại học GTVT TP.HCM, Bộ GTVT ủng hộ và cho cơ chế để trường kêu gọi doanh nghiệp trong ngành hợp tác. Trước đây việc hợp tác thường dưới hình thức doanh nghiệp trao học bổng, nhưng nay trường kêu gọi doanh nghiệp tham gia đào tạo.
Bên cạnh đó, trường tiến tới thành lập Viện nghiên cứu - đào tạo Đèo Cả chuyên đào tạo nhân lực cho tập đoàn này. Doanh nghiệp sẽ cung cấp thiết bị, công nghệ, đầu tư phòng thí nghiệm, nhân sự tham gia giảng dạy. Trong đó, có thiết bị lần đầu được đầu tư tại Việt Nam. Hiện một doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã quyết định đầu tư phòng thí nghiệm về trạm sạc cho xe điện tại trường.